Phát biểu hôm 5/3, ông Borisov tuyên bố công nghệ cần thiết cho việc phát triển hạt nhân trên Mặt trăng gần như đã sẵn sàng.
“Hiện nay chúng tôi đang nghiêm túc xem xét một dự án - vào khoảng năm 2033 - 2035 - nhằm vận chuyển và lắp đặt một bộ nguồn trên bề mặt Mặt trăng cùng với các đồng nghiệp Trung Quốc”, quan chức Nga nói.
Ông Borisov cho biết năng lượng hạt nhân có thể là giải pháp nhằm cung cấp năng lượng cần thiết cho việc định cư trên Mặt trăng, vì các tấm pin Mặt trời sẽ không thể tạo ra đủ điện. Robot sẽ được sử dụng để lắp lò phản ứng.
Giám đốc Roscosmos cho biết: “Đây là một thách thức rất lớn. Nó phải được thực hiện ở chế độ tự động, không có sự hiện diện của con người”.
Theo ông Borisov, rào cản công nghệ duy nhất chưa được giải quyết là phương pháp làm mát lò phản ứng. Ông nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu một tàu kéo không gian. Phương tiện khổng lồ này có thể - nhờ lò phản ứng hạt nhân và tua-bin công suất cao - vận chuyển hàng hóa lớn từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, thu thập các mảnh vụn không gian và nhiều ứng dụng khác”.
Việc thảo luận về lò phản ứng trên Mặt trăng diễn ra trong bối cảnh một số nhà quan sát cho biết đang có một cuộc chạy đua trong không gian thời hiện đại giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và một bên là Nga và Trung Quốc.
Tư lệnh Lực lượng tác chiến không gian Mỹ Stephen Whiting tuyên bố Trung Quốc đang phát triển năng lực quân sự trên không gian với tốc độ “ngoạn mục”, trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng Washington đang dẫn đầu một nỗ lực nguy hiểm nhằm quân sự hóa không gian.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner hồi tháng trước cáo buộc Nga đang tìm cách triển khai một hệ thống đánh chặn tên lửa trong không gian - có thể mang theo đầu đạn hạt nhân - để tăng cường khả năng chống vệ tinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp lại rằng Washington đang sử dụng những phát ngôn sai lệch để đạt được đòn bẩy đàm phán về việc hạn chế vũ khí trên không gian.
Giám đốc Roscosmos Borisov cũng khẳng định Nga không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.