Nga phản bác kết luận của Hà Lan về thảm họa máy bay MH17

Các luận điểm cho thấy "tính thiếu tin cậy" của những kết luận sau trong báo cáo của Hà Lan về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 tháng 7/2014.
Một phần xác máy bay MH17 ở làng Grabovo, cách Donetsk, Ukraine khoảng 80km về phía đông ngày 10/11/2014. Ảnh: AFP-TTXVN.

Cơ quan Hàng không LB Nga (Rosaviasia) đã gửi tới Hội đồng An ninh Hà Lan văn bản trong đó đưa ra 6 luận điểm mới, chỉ ra rằng báo cáo cuối cùng của Hà Lan về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014 ở miền Đông-Nam Ukraine, là không đáng tin cậy.

Những luận điểm trên được trình bày trong công văn của Phó Giám đốc Rosaviasia, ông Oleg Storchevoy gửi Chủ tịch Hội đồng An ninh Hà Lan Tibbe Yustra. Công văn đề cập tới kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Nga về báo cáo cuối cùng của Hà Lan được công bố hồi tháng 10/2015 về thảm họa rơi máy bay khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Rosaviatia đã nêu "những luận điểm mới và quan trọng, chỉ ra sự thiếu tin cậy trong báo cáo cuối cùng (của Hà Lan), nếu cho rằng máy bay bị một tên lửa phòng không Buk bắn hạ". Các dẫn chứng này chuyên gia Nga thu được khi tiến hành các thí nghiệm và nghiên cứu bổ sung. 


Theo Phó Giám đốc Rosaviasia, những luận điểm trên cho thấy "tính thiếu tin cậy" của những kết luận sau trong báo cáo của Hà Lan: ở miền Đông Ukraine có thể có sự hiện diện của hệ thống phòng không "hạng nặng" không thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Ukraine; máy bay bị bắn hạ do nổ một đầu đạn nổ phân mảnh 9N314M; về sở hữu đầu đạn bắn hạ máy bay, là tên lửa 9M38 phóng từ hệ thống phòng không dạng Buk; vị trí trên không trung của tên lửa với máy bay tại thời bắn hạ nó, cũng như khu vực từ đó quả tên lửa được phóng đi. 

Ông Storchevoy ngày 14/1 cho biết những luận điểm này liên quan đến kết luận của Ủy ban An ninh Hà Lan về bối cảnh bắn hạ máy bay và phân tích hành động của Ukraine không đóng cửa không phận khu vực xảy ra chiến sự. Công văn không đề cập đến khuyến cáo an toàn bay của máy bay dân dụng, được trình bày trong báo cáo cuối cùng của Hà Lan vì Nga có ý định xem xét riêng vấn đề này.

Tháng 10 năm ngoái, Uỷ ban An ninh Hà Lan đã công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay MH-17, trong đó xác định máy bay MH-17 đã bị trúng một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất. Phía Hà Lan không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH-17, nhưng khẳng định quả tên lửa này được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine vốn do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Điều này ngược với kết luận từ phía hãng Almaz-Antey của Nga chuyên sản xuất tổ hợp tên lửa Buk, nói rằng chiếc Boeing-777 trên bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine. Cũng theo phía Hà Lan, quả tên lửa Buk đã trúng mạn trái của khoang lái, trong khi đó nhà sản xuất tên lửa Buk của Nga lại cho rằng điều này hoàn toàn vô lý vì nếu tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye (như kết luận của Hà Lan), nó sẽ không làm tổn hại mạn trái của máy bay. 

Chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị rơi ngày 17/7/2014 tại miền Đông-Nam Ukraine khi đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) làm toàn bộ 298 người thiệt mạng. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17.

Theo Theo TTXVN/Tin Tức