Nga mất nhiều tỷ USD vì cuộc chiến ở Lybia

TP - Trong thời gian tham dự Triển lãm hàng không quốc tế ở Le Bourget (Pháp), Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu vũ khí Nga Anatoli Isaikin cho biết, việc LHQ áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Libya đã khiến Nga bị mất những bản hợp đồng cung cấp vũ khí cho nước này trị giá 2 tỷ USD.

Mặc dù trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí Nga chỉ đứng sau Mỹ nhưng khoản tiền 2 tỷ USD không phải là nhỏ, bằng 20% tổng thu nhập trong năm ngoái của Công ty Xuất khẩu vũ khí Nga.

Trước đó, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Nga Sergey Chemezov đã đưa ra một con số khác cao hơn nhiều. Ông tuyên bố việc phá vỡ những hợp đồng cung cấp vũ khí cho Libya khiến Nga bị mất 4 tỷ USD. Nhưng theo các nhà phân tích, con số Sergey Chemezov đưa ra bao gồm cả trị giá những bản hợp đồng mà Nga dự kiến sẽ ký kết với Libya trong vài năm tới.

Trong số những bản hợp đồng bị phá vỡ do lệnh trừng phạt của LHQ đối với Libya trước hết phải kể đến bản hợp đồng ký hồi đầu năm 2010 giữa Matxcơva và Tripoli. Theo bản hợp đồng này, Libya đặt mua của Nga một số lượng lớn vũ khí bộ binh, 6 chiếc máy bay huấn luyện quân sự Yak-130, nhiều loại xe bọc thép khác nhau cùng các phụ tùng thay thế cho những thiết bị quân sự mà Nga đã cung cấp cho Libya từ trước. Ngoài ra, Nga còn dự định ký kết với Libya một hiệp định cung cấp cho nước này một loạt máy bay quân sự và thiết bị phòng không trị giá 1,8 tỷ USD. Nếu hiệp định này được thực hiện, Libya có thể trở thành nước ngoài đầu tiên mua loại máy bay chiến đấu siêu hiện đại Su-35 của Nga với số lượng từ 12 đến 15 chiếc. Vẫn chưa hết. Libya còn sẵn sàng bỏ ra gần 1 tỷ USD để mua loại máy bay lên thẳng quân sự Ka-52 (tối thiểu là 10 chiếc), 40 bệ phóng tên lửa phòng không Pantsyr S1 và 2 cụm tên lửa phòng không S-300PMU2. Đấy là chưa kể Libya còn rất quan tâm đến nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Nga như xe tăng T-90S, tầu ngầm theo thiết kế 636, hệ thống tên lửa phòng không C-400, v.v...

Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu vũ khí Nga Anatoli Isaikin.

Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, cuộc chiến ở Libya đã gây tổn thất không nhỏ không chỉ cho Công ty Xuất khẩu vũ khí Nga mà còn cho toàn bộ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga nói chung.

Nếu tính cả lĩnh vực hợp tác dầu khí giữa Nga và Libya, con số thiệt hại của Nga chắc còn cao hơn nhiều. Vì thế, không phải vô cớ mà Nga nhận lời đề nghị của phương Tây làm trung gian hòa giải giữa các phe đối địch nhau ở Libya. Thứ nhất, bản thân các nước thuộc khối NATO đang lâm vào thế bế tắc trong cuộc chiến chống Libya nên rất cần một nước có trọng lượng như Nga đứng ra làm trung gian hoà giải. Thứ hai, Nga cũng muốn gánh vác sứ mệnh này để đỡ phải chịu những hậu quả tài chính quá nặng do cuộc chiến ở Libya gây ra.

Vũ Việt
Theo Lenta.ru

Theo Báo giấy