Nga: 'Chiến lược quốc gia của Trump đe dọa thế giới'

TPO - Theo người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, chiến lược an ninh quốc gia của Washington chứa đựng “những cáo buộc vô căn cứ” và sẽ gây bất ổn trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới hôm 18/12. Ảnh: Reuters

“Việc thực hiện các mục đích đã nêu trong tài liệu, bao gồm tăng cường các vị trí quốc tế của Mỹ bằng sức mạnh có thể mang đến nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh khu vực và quốc tế”, ông Nikolai Patrushev, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Nga (RNSC), nhận định.

Tuyên bố trên được ông Patrushev đưa ra để bình luận về chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, do Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 18/12 (theo giờ địa phương).

Mở đầu văn kiện dài 55 trang, đánh dấu chiến lược quốc gia đầu tiên của Mỹ được công bố từ tháng 2/2015, ông Trump hứa hẹn “một tầm nhìn chiến lược để bảo vệ người Mỹ và bảo vệ lối sống của chúng ta, thúc đẩy sự thịnh vượng của chúng ta, giữa hòa bình bằng sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới”.

Tuy nhiên, chiến lược mới của ông Trump lại vấp phải sự chỉ trích, đặc biệt từ Moscow và Bắc Kinh.

Theo ông Patrushev, thay vì đặt trọng tâm an ninh vào những nguy cơ trực tiếp như Triều Tiên, Mỹ lại xem Nga và Trung Quốc như những mối đe dọa lớn, tạo sự thách thức đối với sức mạnh, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, cũng như làm tổn hại đến an ninh và sự thịnh vượng của Washington.

Lãnh đạo RNSC cho biết, suy nghĩ đó không khác gì suy nghĩ của các đời Tổng thống Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh đến chính quyền của Barack Obama.

“Mặc dù có những thay đổi đáng chú ý trong từ ngữ so với các văn kiện tương tự trong quá khứ, vẫn có một sự liên tục về ý thức hệ nhất định. Bạn có thể đặc biệt nhìn thấy nó liên quan đến đất nước chúng ta, được đặt tên là mối đe dọa an ninh hàng đầu”, vị quan chức nói với phóng viên tại Moscow.

Cụ thể, Moscow bị cáo buộc là “phát triển vũ khí tiên tiến và năng lực có thể đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng” của Mỹ và “sử dụng các công cụ thông tin nhằm phá hoạt tính hợp pháp của các nền dân chủ” trong quá trình tạo ra “một biên giới không ổn định ở lục địa Á-Âu”.

“Mọi đề cập đến Nga trong tài liệu đều là cáo buộc vô căn cứ. Tuy nhiên, như từ trước đến nay, Nga sẽ làm việc để đảm bảo hòa bình và phát triển quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích quốc gia”, ông Patrushev kết luận, đồng thời nói thêm, những khía cạnh được đề cập trong văn kiện mới của Trump sẽ được xem xét trong kế hoạch tương lai của Nga về chính sách an ninh quốc gia.

Trước đó, không lâu sau khi chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump được công bố, Điện Kremlin mô tả viễn cảnh mà ông chủ Nhà Trắng dựng lên “mang tinh đế quốc”.

Trong khi, Bắc Kinh kêu gọi, Washington ngừng cố ý bóp méo ý định chiến lược của Trung Quốc, cũng như từ bỏ các khái niệm đã “lỗi thời” như Chiến tranh Lạnh và trò chơi zero-sum (từ dùng để diễn tả tình huống trong đó nếu một người thu được lợi ích thì người kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại).

Nội dung chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump dường như mâu thuẫn với các hành xử trước đó của ông đối với Nga. Từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào năm ngoái đến khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn đề cao mục tiêu cải thiện mối quan hệ với Nga.

Ông đánh giá, Washington và Moscow có những lợi ích chung, mối quan tâm chung như Triều Tiên, Ukraine, Syria... và sẽ rất tốt nếu hai bên bắt tay nhau.

Dù ý định của ông Trump bị cản trở bởi Quốc hội Mỹ, với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và có khả năng thông đồng với chiến dịch của ông Trump, nhưng như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói, ông Trump vẫn cố gắng rút ngắn sự khác biệt giữa hai quốc gia.

Gần đây nhất, ông Putin còn gọi điện cảm ơn Trump và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vì đã cung cấp thông tin giúp lực lượng an ninh nước này ngăn cản thành công âm mưu tấn công khủng bố. Động thái này được xem là mở ra hy vọng để cải thiện mối quan hệ hai nước trong bối cảnh khủng hoảng gia tăng. Tuy nhiên, trước các tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, hy vọng này một lần nữa mờ dần.

Theo Theo RT