> Một ngày, hai xe SH bốc cháy trên phố
Độc giả Đinh Xuân Thu (TP Nam Định) đánh giá cao việc Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ cháy, nổ xe và hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có thể cam kết, nhận trách nhiệm về chất lượng xăng, dầu lưu thông trên thị trường?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu thuộc Bộ KH&CN. Trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nguồn cung ứng, chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu theo quy định, không được để đứt nguồn.
“Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chất lượng nhưng chúng tôi cũng ý thức rằng, những ranh giới này không rõ ràng, có đan xen. Chúng tôi có trách nhiệm cùng với ngành KH&CN trong quản lý chất lượng xăng dầu. Để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng xăng dầu, có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương. Nếu các cơ quan chức năng qua kiểm tra xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”- Ông Hoàng nói.
Để có kết luận chính thức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về phần mình, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo các Sở Công Thương, các tổng công ty xăng dầu kiểm tra lại hệ thống phân phối; phối hợp với các Sở KH&CN kiểm tra, xử lý thỏa đáng theo các quy định về kinh doanh xăng dầu.
EVN “lỗ chính sách”
Việc giá điện tăng 5% vừa qua là chưa sòng phẳng và vào thời điểm nhạy cảm. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này? Trả lời độc giả, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2011, Chính phủ đã nhất trí về chủ trương ngành điện được điều chỉnh giá theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ về mức tăng, thời điểm, tác động... Trước khi tăng giá điện, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã tính toán và báo cáo Chính phủ có thể tăng giá trên 10%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như vậy chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng đời sống nhân dân, nên ngành điện đã xin ý kiến của Bộ Công thương, của Chính phủ.
“Mức tăng 5% là chỉ tính biến động chi phí trực tiếp đầu vào như xăng dầu, nhân công... chưa tính đến các khoản lỗ do kinh doanh điện của các năm trước. Đây là mức tăng tương đối hợp lý và đã có sự chia sẻ với người dân”- Ông Hoàng khẳng định.
Về vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn mà lương vẫn cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Khoản lỗ vừa qua của ngành điện là “lỗ chính sách”. Khoản lỗ này không liên quan đến quản trị doanh nghiệp của EVN. Nếu EVN thực hiện đúng cơ chế giá thị trường thì không có chuyện lỗ như vừa rồi.
Đối với tiền lương, Bộ LĐ,TB& XH đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra sẽ thấy rõ việc trả lương của ngành điện như thế nào. “Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia góp ý kiến với Bộ LĐ,TB& XH chứ không phải đứng ngoài vấn đề lương của EVN”- Ông Hoàng nói.
Điều hành giá xăng, dầu:
Hai bộ không khác nhau
Về hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “xin tiếp thu ý kiến mang tính chất phê bình của nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực xăng dầu”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng yêu cầu và quy định của nhà nước.
Từ 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84 về cơ chế điều hành xăng dầu. Chúng ta đã thực hiện tương đối tốt trong những tháng cuối năm 2009, đầu 2010, tuy nhiên sau đó do biến động thị trường nên chưa thực hiện triệt để Nghị định 84, dẫn đến chuyện “chệch choạc” như phản ánh của dư luận.
“Trong mọi thời điểm, điều hành giá xăng dầu là điều hành của Chính phủ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Có thể ý kiến nội bộ khác nhau nhưng khi ban hành và trình Chính phủ thì ý kiến đó là thống nhất, không có chuyện khác nhau giữa điều hành giá và tham mưu của 2 bộ với Chính phủ”- Ông Hoàng nói.
EVN công bố lỗ 3.500 tỷ đồng
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2011, do phải tiếp tục đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa giúp người dân tiếp cận lưới điện hạ áp nên ngành điện phải bù lỗ 440 tỷ đồng. Nếu cộng cả tiền Nhà nước hỗ trợ thì số lỗ lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.
“Theo dự tính từ đầu năm 2011, ngành điện dự kiến lỗ 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thời tiết thuận lợi, các đơn vị trong ngành tiết kiệm tối đa chi phí nên mức lỗ đến cuối năm chỉ còn trên 3.500 tỷ đồng”- Ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, Tổng Công ty hiện có mức thu nhập thấp nhất trong các đơn vị dù năm 2011 đã hoàn thành mục tiêu EVN giao, nhưng năm nay không biết có đồng nào để anh em cán bộ ăn tết không vì lỗ 1.022 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Vinh, nếu được điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2012 thì mới có thể bù lỗ và để có vốn cho ngành điện, không có biện pháp nào khác ngoài việc tăng giá điện.