Nên thay đổi cách hỗ trợ người lao động

TP - Ngày 4/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp thực sự khó khăn gần như không thể đáp ứng chuẩn vay ưu đãi hiện nay. Ảnh minh họa: Như Ý

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, các chuyên gia “hiến kế” để chương trình phục hồi thực sự đi vào đời sống, hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp.

Tại tờ trình về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đề xuất chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Đánh giá về dự thảo chính sách này, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, chương trình hỗ trợ người lao động, trước mắt cần hỗ trợ để người lao động mất thu nhập duy trì cuộc sống.

“Chủ trương đưa ra rất đúng, trúng nhưng cần làm sao để nó đến tận tay doanh nghiệp, phải tháo gỡ được cho doanh nghiệp khó khăn…”.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

“Dịch bệnh khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh kiệt quệ nên cần hỗ trợ để họ có tiền để sống trong lúc tìm công việc thay thế. Phải để cho người lao động lo được cuộc sống thì mới tính đến lâu dài”, ông Vinh cho biết.

Về dài hạn, ông Vinh kiến nghị phải thay đổi cách đào tạo nghề. Trong trạng thái bình thường mới, mọi thứ thay đổi. Công việc gắn với kỹ năng số hoá, công nghệ mới áp dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, chương trình đào tạo phải tập trung hướng này.

“Trước đây, chúng ta đào tạo nghề theo các chương trình sẵn có, chưa tính đến việc người lao động có sống bằng nghề đã học hay không. Nhiều người học nghề xong không có việc làm gây lãng phí. Khi được thông qua chi phí cho chính sách hỗ trợ người lao động, chúng ta phải thay đổi, có chương trình đào tạo nghề phù hợp với trạng thái bình thường mới”, ông Vinh kiến nghị.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, nhất là DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh - đối tượng trước tới nay chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, lãi suất. Chính sách hỗ trợ cần giúp họ tiếp cận với chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Chính sách hỗ trợ từ 2 phía: doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp phát triển mới tạo việc làm cho người lao động. Chính sách cần hướng thêm vào người lao động phi chính thức - đối tượng đang bị bỏ trống và chưa đáp ứng. Đặc biệt, rút kinh nghiệm chương trình hỗ trợ trước đây, chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng. Chính sách có nhưng thời gian đi vào thực tế quá chậm, gây mất tác dụng”, ông Vinh kiến nghị.

Cách nào để DN tiếp cận tín dụng ưu đãi?

Đây là băn khoăn của TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ông Hùng cho rằng, chính sách có rồi, nhưng rào cản vẫn là pháp lý. “Hỗ trợ phục hồi mà không giảm chuẩn cho vay thì doanh nghiệp có tiếp cận được không? muốn hỗ trợ đến được doanh nghiệp khó khăn thì phải đi tận gốc, chính sách phải phù hợp quy định pháp luật, có cơ chế kèm theo.

Nếu giảm chuẩn thì doanh nghiệp nào đủ điều kiện được vay, còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm. Rất nhiều vấn đề cần chính sách đồng bộ, nếu không thì chỉ là đưa ra, không ai làm. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, khi hết COVID-19, có doanh nghiệp vượt lên được, doanh nghiệp không, ai sẽ chịu trách nhiệm với những khoản vay đã giải ngân trước đó”, ông Hùng đặt vấn đề.

Ông Hùng cho rằng, nếu không giảm chuẩn, thì gói hỗ trợ chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp khoẻ. Ngược lại, khi hạ điều kiện cho vay, nếu nợ xấu dềnh lên, không thể đổ tại ngân hàng.

“Chủ trương đưa ra rất đúng, trúng nhưng cần làm sao để nó đến tận tay doanh nghiệp, phải tháo gỡ được cho doanh nghiệp khó khăn. Mà doanh nghiệp khó khăn, 2 năm qua không thể hoạt động, nợ đang cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn, doanh thu sụt giảm. Những điều kiện để vay vốn như doanh thu, lợi nhuận, tài sản đảm bảo khó đáp ứng. Để các tổ chức tín dụng thực hiện được, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, để chính sách đi vào cuộc sống”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, qua gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất 2 năm khoảng 40.000 tỷ đồng, 1 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế...