Đi làm về, anh Lê Văn Bình ở đường Thành Thái, quận 10 thấy nắp cống trước nhà xuất hiện dòng chữ màu vàng “Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước”. Tìm hiểu, anh Bình mới biết, không chỉ nắp cống trước nhà mà dọc tuyến đường Thành Thái đều được sơn dòng chữ này.
Theo anh Bình, khu vực gần nhà anh không có thùng rác nên gia đình anh và những hộ dân xung quanh thường vứt rác xung quanh miệng cống để chờ nhân viên môi trường đến dọn. “Biết vứt rác gần miệng cống thoát nước là không hay, dễ làm tắc cống nhưng không để rác nơi đó thì để đâu, bởi chả ai muốn vứt rác trước nhà mình cả”, anh Bình nói. Tuy nhiên, theo anh Bình, từ ngày dòng chữ này xuất hiện người dân không vứt rác ở nắp cống nữa.
Anh Mai Nhật Phương, Phó Bí thư Quận Đoàn 10, TPHCM, cho biết, 125 nắp cống dọc tuyến đường Thành Thái được Quận Đoàn 10 phối hợp Đoàn Thanh niên Cty TNHH MTV Thoát nước đô thị quận 10 in dòng chữ “Đừng bỏ rác…”.
GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, cho rằng dân số ở TPHCM mang tính cơ học, chủ yếu dân nhập cư, trình độ chưa cao, chưa quen với lối sống đô thị nên dẫn đến xả rác bừa bãi. Theo ông, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục theo cách truyền thống, chúng ta cần phải xây dựng về chuẩn mực, tiêu chí sống trong đô thị hiện đại. “Phải có tiêu chí, chuẩn mực rồi mới tuyên truyền, giáo dục được. Rồi dựa vào tiêu chí, chuẩn mực đó, chúng ta mới có chế tài xử phạt những người không chấp hành, có như vậy xã hội mới văn minh hơn”, ông Hiền nói.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, việc người dân thiếu ý thức trong việc xả rác bừa bãi… có thể do chế tài chưa đủ mạnh, xây dựng văn hóa cộng đồng chưa sâu… “Chính người trong cuộc cũng không có ý thức cao nên những biểu hiện vô tư ấy tồn tại. Cấm thì cấm, làm thì làm, hoặc tâm lý “chắc một chút vẫn không sao” hay tâm lý “cha chung không ai khóc” nên mới xảy ra tình trạng xả rác tràn lan”, ông Sơn nói.