Năng suất lao động của Việt Nam thấp: Do kinh doanh manh mún, quản lý lạc hậu

TP - Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.
Theo Bộ Công Thương, nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may. Ảnh: Như Ý.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tuy đã có những bước tiến rõ rệt nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực. Hiện năng suất lao động của Việt Nam kém Singapore tới 14,5 lần, kém Nhật Bản 10,8 lần. Các nước khác như Malaysia, năng suất cao gấp 7,3 lần; Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam (theo thống kê năm 2013).

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm năng lượng, thép, hóa chất (từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người/ năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày. Tuy nhiên, năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế.

Cũng theo đánh giá, với 96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá ở mức trung bình và thấp. Khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế được xem là “vùng trũng nhất”, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới. Đặc biệt, yếu điểm của Việt Nam nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ. Biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.

Theo báo cáo của Viện năng suất Việt Nam, trong 8 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước (dệt may, da giày, nhựa, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, điện, điện tử, tin học), ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỷ đồng/ người lao động.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá cao, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và đầu tư nước ngoài nhưng đang gặp phải khó khăn do sự tụt hậu công nghệ so với các nước, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng không cao. Để hỗ trợ các ngành phát triển, theo ông Tuấn, cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử-tin học, cơ khí. Với ngành dệt may, da giày, hỗ trợ xúc tiến thị trường bằng nhưng ưu đãi vay vốn phát triển xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm hiểu thông tin về quy định của các nước nhập khẩu; phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may, da giày để đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành dựa trên các thế mạnh của tỉnh, vùng.

“Với ngành hóa chất, cần có chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ, có các giải pháp về thị trường cũng như quy hoạch lại các ngành khác như thép, không khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp ngành thép. Cùng đó cần nâng cao cải tiến công nghệ dần dần loại bỏ công nghệ lạc hậu; thiết lập chính sách phát triển bền vững cho ngành”, ông Tuấn khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm năng lượng, thép, hóa chất (từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người/ năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.