Nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng

TPO - Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung các quy định về giáo dục mầm non, trong đó có việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.  
Ảnh minh họa

Địa phương được biên soạn bổ sung nội dung

Theo Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 về Luật Giáo dục (sửa đổi) và cuộc họp giữa Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, nhiều quy định liên quan đến giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, hệ thống cơ sở giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung.

Đại diện Ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung cho biết, các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về việc tự chủ đối với các trường phổ thông cho phù hợp với nhu cầu xã hội trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị chương trình giáo dục cần thống nhất toàn quốc, ngoài ra còn có chương trình giáo dục địa phương. Đề nghị nghiên cứu quy định rõ cơ quan thẩm định chương trình giáo dục phần địa phương biên soạn; bổ sung quy định để địa phương biên soạn, những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội của địa phương để phù hợp với Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội; quy định cụ thể về việc lựa chọn sách giáo khoa, hội đồng thẩm định sách giáo khoa.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Dự thảo Luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu.

Bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiên cụ thể của nhà trường.

Tài liệu giáo dục của địa phương phải đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương và được thẩm định bởi hội đồng cấp tỉnh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Bổ sung các nội dung về biên soạn sách giáo khoa đã được xác định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc thí điểm một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông.

Quy định trách nhiệm nhà nước, cha mẹ, cộng đồng

Về các quy định liên quan đến giáo dục mầm non, Ban soạn thảo cho biết, các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng, cần thiết của giáo dục mầm non, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc phát triển giáo dục mầm non. Hoàn thiện chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non; quan tâm hơn nữa đến giáo dục mầm non tại những vùng có khu công nghiệp, cụ thể hóa yêu cầu trường lớp cho con công nhân.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung các quy định về giáo dục mầm non tại Dự thảo Luật, gồm: nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của Nhà nước, cha mẹ, trách nhiệm của cộng đồng; quy định trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo trường, lớp cho con công nhân tại những vùng có khu công nghiệp; khuyến khích xã hội hóa đối với giáo dục mầm non.

Báo cáo tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo cũng cho biết, về hệ thống cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục khác, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hệ thống cơ sở giáo dục, các trường hợp chuyển đổi loại hình trường. Đề nghị xem lại quy định các viện nghiên cứu do Chính phủ thành lập được đào tạo trình độ tiến sĩ. Nên bổ sung quy định về việc phối hợp đào tạo các trình độ tiến sĩ giữa trường đại học và các viện nghiên cứu…

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung các quy định để làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình nhà trường, như trường dân lập, trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường không vì lợi nhuận; tập trung vào vấn đề tài sản, tài chính và quản trị của các loại hình trường ngoài công lập.

Dự thảo Luật xác định việc chuyển đổi từ trường tư thục sang loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định cụ thể. Đối với viện nghiên cứu khoa học sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về điều kiện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ tại dự thảo Luật Giáo dục đại học.