Đó là cách mà Trần Minh Khôi (18 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện trong những ngày căng thẳng dịch bệnh để cùng chung tay với đội ngũ tuyến đầu cứu chữa người bệnh COVID nặng ở TPHCM. Chàng thanh niên này là một trong những tình nguyện viên năng nổ, tích cực trong các hoạt động chống dịch trên địa bàn TPHCM suốt thời gian dài vừa qua.
Minh Khôi cho biết bắt đầu tham gia tuyến đầu phòng chống dịch ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với công việc đầu tiên là chuẩn bị gian hàng 0 đồng tại phường 19, quận Bình Thạnh. Luôn xông xáo, nhiệt huyết cống hiến sức trẻ cho tuyến đầu, thời gian sau đó Khôi liên tục hỗ trợ các công việc khác nhau, từ tham gia trực tiếp lấy mẫu truy vết tại vùng dịch, hỗ trợ test, đo huyết áp tại điểm tiêm phường 13 (quận Bình Thạnh); hỗ trợ điều phối tại điểm tiêm, mang oxy đi cấp cứu bệnh nhân ở TP. Thủ Đức…
Chia sẻ với Tiền Phong, Khôi cho biết gia đình cậu có những người hoạt động ở tuyến đầu khi ba là bác sĩ, mẹ cũng là cán bộ tham gia trong công tác phòng chống dịch. “Bản thân gia đình là tuyến đầu, rồi khi đó mình thấy các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin tình hình dịch bệnh căng thẳng, hơn nữa, những người xung quanh đang cần hỗ trợ nên mình nhận thức được bản thân cần giúp họ. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, mình cũng muốn làm gì đó cho nơi mình đang sống bằng chính khả năng, sức lực của một người thanh niên”.
Chàng thanh niên tuổi 18 đã đăng ký học, tập huấn nghiêm túc các kỹ năng tiêm vắc xin, đo huyết áp, cấp cứu oxy tại Bệnh viện Gia Định từ tháng 7 với suy nghĩ “đã đi tình nguyện thì phải biết để hỗ trợ người bệnh”.
Nói về quá trình tham gia tuyến đầu chống dịch, Minh Khôi cho biết thời điểm từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2021 là quãng thời gian cậu thấy căng thẳng nhất. Có những đêm, Khôi tức tốc mang oxy cấp cứu và thao tác sơ cấp cứu những bệnh nhân F0 khó thở.
Cậu bạn cho biết, trong khi đi lấy mẫu cộng đồng và thấy ai đó có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, Khôi liền cung cấp số điện thoại của mình để người bệnh có thể liên hệ và cậu kịp thời đến hỗ trợ họ. Mặt khác, thi thoảng chàng trai cũng gọi điện hỏi thăm, chia sẻ với người bệnh. Thời điểm đó, do số lượng F0 qua truy vết đến hàng trăm người mỗi ngày nên điện thoại Khôi luôn trong tình trạng “cháy máy”.
“Một lần khi nhóm đang lấy mẫu, có một người gọi cho mình báo rằng mẹ người đó đang khó thở. Lúc ấy mình nhờ các thành viên trong tổ hỗ trợ tiếp tục lấy mẫu và mình liền chạy đi cấp cứu cho trường hợp này. Mình lập tức chạy đến trạm y tế lưu động lấy bình oxy, mặt nạ thở rồi đến nhà gắn bình oxy và đeo mặt nạ thở cho nữ bệnh nhân. Thật may là mình đã kịp thời hỗ trợ cho người phụ nữ đó”, Minh Khôi kể về một trường hợp cấp cứu đáng nhớ.
Cũng theo chàng trai năng động này, không ít lần cậu kết thúc việc test COVID lúc 11 giờ đêm, 2-3 giờ sáng lại lật đật lên đường đi cấp cứu. Dù đang ngủ, nhưng khi nghe có chuông điện thoại là Khôi bừng tỉnh dậy mặc đồ bảo hộ rồi lao đi hỗ trợ người bệnh. “Bình thường ở nhà giờ đó mình ngủ rất say, nhưng khi đến địa phương hỗ trợ chống dịch thì bản thân có khả năng lúc nào cũng có thể nghe điện thoại được”, Minh Khôi chia sẻ.
Trong suốt thời gian tham gia chống dịch, Khôi đều trú tại nơi hoạt động và không dám về nhà dù rất gần đó, vì thời gian truy vết F0 nên khả năng mang mầm bệnh rất cao. “Những ngày đầu mình bày tỏ ý định tham gia chống dịch, ba mẹ một mặt cũng ủng hộ nhưng đồng thời cũng khá lo lắng. Nhưng rồi ba mẹ cũng hiểu là mình đủ lớn để quyết định mọi việc. Nhiều lúc ba mẹ gọi cho mình lúc 9-10 giờ là lúc đang lấy mẫu nên mình không nghe máy được hoặc chỉ nói để con gọi lại sau, nhưng khi xong việc thì cũng đã nửa đêm và ba mẹ đã ngủ nên mình không thể gọi lại được”, Khôi tâm sự.
Sau khi kết thúc công tác lấy mẫu truy vết F0, Minh Khôi tiếp tục hỗ trợ địa phương phát tiền cho bà con trong thời gian TPHCM chi tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của COVID-19.