Xét xử 'siêu lừa' Huyền Như:

Năm công ty đòi bồi thường, VietinBank bác bỏ

TP - Ngày 8/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TPHCM) cùng bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa. Ảnh: Tân Châu.

CQĐT và Viện Kiểm sát thống nhất cho rằng Huyền Như lừa đảo

Theo cáo trạng công bố tại tòa, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/1/2014, TAND TPHCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau bản án sơ thẩm, ngày 7/1/2015, tại bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên phạt tù chung thân với Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án phúc thẩm nhận định hành vi chiếm đoạt số tiền trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty gồm: Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty CP Đầu tư Hưng Yên, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Đầu tư Thương mại An Lộc của Huyền Như là có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản” nên đã hủy phần này để điều tra xét xử lại.

Quá trình điều tra lại, CQĐT cho rằng, xuyên suốt vụ án từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành đều thể hiện rõ hành vi lừa đảo. Vì vậy, CQĐT chuyển VKS tiếp tục truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. VKS sau khi thụ lý hồ sơ đã đồng ý với kết luận của CQĐT, hoàn tất cáo trạng và chuyển TAND TPHCM.

Tranh cãi quanh việc đòi bồi thường

Tại phiên tòa, năm nguyên đơn dân sự gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên buộc VietinBank phải bồi thường cả gốc lẫn lãi số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt. Cụ thể: Công ty Hưng Yên yêu cầu bồi thường hơn 400 tỷ đồng, Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya hơn 220 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu yêu cầu bồi thường hơn 149 tỷ đồng; Công ty Phương Đông yêu cầu bồi thường gần 900 tỷ đồng và Công ty An Lộc yêu cầu bồi thường hơn 400 tỷ đồng.

Đáp lại, đại diện VietinBank đề nghị HĐXX bác bỏ các yêu cầu bồi thường của năm công ty đối với ngân hàng. Trình bày tại ngày đầu phiên tòa, đại diện VietinBank nói: “Tất cả chủ trương và hoạt động của ngân hàng không trái pháp luật, không trái quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Vị đại diện VietinBank cũng chỉ ra rằng năm công ty nghe theo dụ dỗ của Huyền Như làm trái quy định của pháp luật. Các trường hợp trên đã ký hợp đồng giả, cho thuê, cho mượn tài khoản. Việc năm công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền do xuất phát từ lòng tham của họ và lợi ích cá nhân của người môi giới.

Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, Tòa đã triệu tập 16 cá nhân tham gia tố tụng; nhân chứng và người liên quan đến vụ án vốn là các lãnh đạo những đơn vị trong giai đoạn Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo là ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TPHCM), bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó Giám đốc) nhưng họ đều vắng mặt. Bà Nguyễn Thị Minh Hương có đơn xin vắng mặt do đang cấp cứu tại bệnh viện, ông Sẽ đã qua Mỹ chữa bệnh.