Mỹ ra điều kiện loại bỏ tên lửa hành trình hạt nhân trên biển

TPO - Mỹ sẽ từ bỏ kế hoạch triển khai tên lửa hành trình hạt nhân trên biển nếu Nga tuân thủ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF).
Ảnh: US Navy

Trên đây là tuyên bố của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề hạt nhân và phòng thủ tên lửa, ông Robert Soufer.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc nếu Nga tuân thủ Hiệp ước INF và bắt đầu các cuộc đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như thay đổi quan điểm ‘thái độ’ trên trường quốc tế”, ông Robert Soufer tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về việc ngăn chặn hạt nhân ở Washington.

Ngày 8/12/1987 tại Nhà Trắng, Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước INF nhằm cấm mỗi bên dàn tên lửa tầm ngắn và trung bình (có tầm bắn từ 500 - 5.500km) có thể gắn đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.

INF được ghi nhận là một Hiệp ước lịch sử, giúp kết thúc cuộc chạy đua vũ trang Chiến tranh lạnh giữa Xô-Mỹ. Hiệp ước INF cũng giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Tại hội nghị, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề hạt nhân và phòng thủ tên lửa cũng bày tỏ quan ngại rằng Nga đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân không mang tính chiến lược.

“Chúng tôi đã xem xét chiến lược Nga, học thuyết Nga cũng như các cuộc tập trận… và chúng tôi cần phải làm gì đó để đáp trả điều này. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, ông Soufer nói.

Hôm 2/2, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR), trong đó vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân.

Báo cáo nhấn mạnh nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.

Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.

Ngoài ra, theo học thuyết hạt nhân mới, Mỹ sẽ tập trung vào việc phát triển đầu đạn hạt nhân năng lượng thấp; tiếp tục hiện đại hoá lực lượng hạt nhân và phát triển các yếu tố của "bộ ba hạt nhân" (tên lửa liên lục địa, tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom).

Theo Lầu Năm Góc, Mỹ không có ý giảm mức độ sử dụng vũ khí hạt nhân, và mục tiêu chính vẫn là ngăn chặn "các cuộc tấn công chiến lược" hạt nhân và phi hạt nhân.

Theo Theo Sputnik, RIA Novosti