Khó khăn trong đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc

TP - Ít ngày sau khi hủy một chuyến đi đã được lên kế hoạch của cấp dưới với lý do chưa có tiến bộ đầy đủ trong các cuộc đàm phán về hạt nhân, tổng thống Mỹ Donald Trump lại ca ngợi mối quan hệ cá nhân giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, còn nói thêm rằng không có lý do gì để tái khởi động các cuộc tập trận với Hàn Quốc.
Mỹ vẫn lấp lửng, nước đôi về chuyện tập trận chung với Hàn Quốc.

Mặt khác, ông nói các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng khó khăn là do Triều Tiên phải chịu sức ép khủng khiếp từ Trung Quốc. Phản ứng lại, Trung Quốc nói tuyên bố của chính quyền Mỹ là “vô trách nhiệm” và “phi lý”.

Các bình luận của ông Trump xuất hiện chỉ một ngày sau khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc có thể sớm được khởi động lại.

Reuters đưa tin, ông Trump đã tung lên Twitter một văn bản của Nhà Trắng, trong đó ông một lần nữa đặt dấu hỏi đối với vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn luôn bị coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ.

Văn bản cũng nói ông Trump tin rằng Triều Tiên đang chịu áp lực rất lớn từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng đang cung cấp cho Triều Tiên “hỗ trợ đáng kể”, bao gồm xăng dầu, phân bón và các loại hàng hóa thiết yếu.

“Tuy nhiên, tổng thống tin rằng quan hệ giữa ông với Kim Jong-un là tốt đẹp và nồng ấm, và lúc này không có lý do gì để phải chi nhiều tiền cho các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn”, văn bản nói. “Bên cạnh đó, tổng thống có thể ngay lập tức khởi động việc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu ông muốn vậy. Và khi đó, các cuộc tập trận sẽ lớn hơn bao giờ hết”.

Văn bản cũng nói rằng cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và những khác biệt khác “sẽ được tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết kịp thời. Mối quan hệ cá nhân của các ông vẫn còn rất bền chặt”.

Lời tuyên bố ngừng tập trận chung của ông Trump rõ ràng đi ngược hẳn với tuyên bố một ngày trước đó từ bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Hôm thứ Ba, ông Mattis đã nói việc treo lại các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc như một cử chỉ thiện chí đối với Triều Tiên sẽ không tiếp diễn. Chỉ một ngày sau, lãnh đạo Lầu Năm Góc tái khẳng định chưa có quyết định hoãn các tập trận trong tương lai với Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn.

Trung Quốc phản ứng

Hôm qua, 30/8, Trung Quốc lên tiếng chế giễu “lý luận kỳ cục” của tổng thống Trump, SCMP đưa tin. “Rất nhiều người, giống như tôi, cảm thấy rằng nước Mỹ đứng đầu thế giới về chuyện bẻ cong sự thật, đưa ra những bình luận phi lý và vô trách nhiệm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo. “Lý luận của họ rất khó hiểu đối với đa số chúng ta”.

“Chúng tôi hy vọng Mỹ đóng một vài trò tích cực và xây dựng trong việc giải quyết vấn đề giống như Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề, nước Mỹ nên nhìn lại mình thay vì đổ lỗi cho người khác”, bà Hoa nói thêm.

Giọng điệu “nửa nạc, nửa mỡ” của ông Trump đối với hai vấn đề địa chính trị đau đầu nhất hiện nay của chính quyền Mỹ (các vấn đề liên quan đến hạt nhân Triều Tiên vai vai trò của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng, bên cạnh chuyện thương mại Mỹ-Trung) phản ánh thái độ thất thường của chính giới Mỹ trong vài tháng gần đây. Cần nhắc lại là chuyến đi đã được lên kế hoạch của ngoại trưởng Mike Pompeo bị ông Trump hủy bỏ chỉ một ngày sau khi nó được thông báo.

Thời gian gần đây, ông Trump thường xuyên sử dụng mạng nhắn tin Twitter để đổ lỗi cho Trung Quốc, nói Bắc Kinh là lý do ông hủy chuyến đi của ông Pompeo, và Bắc Kinh đã không làm gì để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông cũng nói thêm rằng các quan chức cấp cao Mỹ sẽ trở lại Triều Tiên sau khi các tranh chấp thương mại Mỹ-Trung được giải quyết.

Cuộc đàm phán thương mại gần nhất giữa đôi bên đã diễn ra trong hai ngày ở Washington hồi tuần trước mà không mang lại bước tiến cụ thể nào.

“…Tổng thống có thể ngay lập tức khởi động việc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu ông muốn vậy. Và khi đó, các cuộc tập trận sẽ lớn hơn bao giờ hết”.

Văn bản của Nhà Trắng