Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ triển khai máy bay không người lái Triton để giám sát ở nước ngoài và việc triển khai này giúp các sĩ quan chỉ huy ở khu vực Thái Bình Dương có được một công cụ mới để giám sát và theo dõi từ xa các động thái của Trung Quốc, Breaking Defense đưa tin ngày 20/9.
Ngày 19/9, các thủy thủ thuộc Phi đội tuần tra không người lái (VUP 19) của Hải quân Mỹ, đơn vị đầu tiên vận hành máy bay không người lái Triton, rời cơ sở của họ ở thành phố Jacksonville, bang Florida để đến căn cứ khoogn quân Andersen ở Guam để hỗ trợ Hạm đội 7. Hình ảnh các thủy thủ rời bang Florida được đăng trên trang Facebook của VUP 19.
Một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định, hai drone đang trên đường tới Guam theo kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động sớm để đánh giá cách thức chúng hoạt động cùng với máy bay Mỹ hoặc liên minh. Trong những năm tới, đội Triton của Hải quân Mỹ sẽ hoạt động tại 5 căn cứ trên thế giới.
Triton là một phần của chương trình giám sát biển trên diện rộng của Hải quân Mỹ. Loại drone hiện đại này có thể bay liên tục hơn 24 giờ ở độ cao trên 16 km, quét đại dương và đất liền với radar 360 độ. Chúng cũng có hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ có thể truyền ảnh có độ phân giải cao tới các máy bay khác hoặc tới các trạm mặt đất.
Việc để drone đối mặt với máy bay có người lái và tàu thuyền ở khu vực Thái Bình Dương đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Hải quân Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo, lắp đặt vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không ở các tiền đồn trên biển Đông.
Khi đề nghị cấp ngân sách 2020, Hải quân Mỹ đã xin 3,7 tỷ USD để thực hiện nhiều chương trình drone, trong đó 447 triệu USD dành cho hai máy bay không người lái cỡ lớn có thể tiến hành nhiều hoạt động, từ giám sát tầm xa đến tấn công.
Trong không trung, máy bay không người lái Triton đã thể hiện năng lực truyền video chất lượng cao cho các máy bay do thám P-8 và các trạm mặt đất, giúp P-8 có cái nhìn rõ ràng hơn, cho phép loại máy bay săn ngầm này tập trung vào nhiệm vụ chính của chúng. Triton cuối cùng sẽ thay thế các máy bay do thám P-3C già cỗi.
Máy bay không người lái tiếp nhiên liệu
Việc đưa Triton tới Guam diễn ra trong bối cảnh drone tiếp liệu Stingray MQ-25 của Hải quân Mỹ đã bay thử thành công lần đầu tiên tại một cơ sở của Boeing ở Mỹ. Các phi công của Boeing đã điều khiển từ xa Stingray chạy đà, cất cánh và bay theo đường bay vạch sẵn trong suốt hai giờ.
Hải quân Mỹ coi Stingray là máy bay tiếp liệu của tương lai, đậu trên các tàu sân bay, đảm nhiệm việc tiếp liệu thay cho các máy bay có người lái trong các nhiệm vụ nguy hiểm.
Hai chiếc drone ở Guam không đơn độc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Năm 2018, chính phủ Úc ký thỏa thuận với tập đoàn Mỹ Northrop Grumman để tiếp nhận 6 chiếc Triton MQ-4C trong giai đoạn 2023-2025.
Không quân Úc sẽ tham gia chương trình cùng phát triển với Hải quân Mỹ. Điều này có nghĩa là Úc sẽ nhận được cùng loại máy bay mà Hải quân Mỹ sử dụng. Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê chuẩn việc bán 4 chiếc Triton cho Đức với giá 2,5 tỷ USD.
Doug Shaffer, phó chủ tịch Northrop Grumman phụ trách chương trình Triton, nói rằng, “việc VUP 19 triển khai drone mới là mốc son trong chương trình Triton. Chúng tôi tiếp tục phát triển và cải tiến hệ thống Triton để đáp ứng các yêu cầu chung của Hải quân Mỹ và Úc về cấu hình giám sát, do thám”.
Hồi tháng 7, Northrop Grumman được trao hợp đồng 33,8 triệu USD để bổ sung nang lực thu thập thông tin tình báo tín hiệu cho hệ thống Triton. Công việc này dự kiến được hoàn tất trong năm 2022.
Theo kế hoạch ban đầu, máy bay không người lái Triton được đưa tới Guam vào cuối năm 2018, nhưng sau khi một chiếc rơi trong chuyến bay tập ở California hồi tháng 9 năm ngoái, chương trình bị tạm dừng để phục vụ điều tra.