Trung Quốc cảnh báo Anh định đưa tàu sân bay đến biển Đông

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ đến biển Đông vào năm sau. (Ảnh: Telegraph)
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ đến biển Đông vào năm sau. (Ảnh: Telegraph)
TPO - Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch phái tàu sân bay mới của nước này đến châu Á Thái Bình Dương trong chuyến hoạt động đầu tiên, dự kiến vào năm 2021. Trung Quốc vừa cảnh báo việc đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến biển Đông có thể bị coi là “hành động thù địch”.

Chính phủ Anh đang quan tâm đến việc khẳng định tự do hàng hải trên các vùng  biển quốc tế. Cùng với các đồng minh Mỹ và Úc, Anh gần đây thẳng thắn ủng hộ các hoạt động như vậy trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Kế hoạch triển khai lực lượng của Anh sẽ bao gồm đội chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đi cùng con tàu nặng 65.000 tấn.

Phát biểu tại London tuần trước, Thiếu tướng Su Guanghui, Tùy viên quốc phòng Trung Quốc tại Anh, nói: “Nếu Mỹ và Anh cùng thách thức hay vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ là hành động thù địch”.

Năm ngoái, Bắc Kinh phản ứng giận dữ khi HMS Albion, một trong các tàu tấn công đổ bộ của Hải quân hoàng gia Anh, đi qua biển Đông, tiến vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tàu HMS Albion khi đó đang di chuyển trên vùng biển quốc tế. Trung Quốc đòi vùng lãnh hải 12 hải lý quanh các cấu trúc tranh chấp trên biển Đông, nhưng bị quốc tế bác bỏ.

Liu Xiaoming, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, nói rằng Trung Quốc “không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hay phạm vi ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm gần đây nước này bồi đắp để tạo thành các đảo nhân tạo trên biển Đông để mở rộng phạm vi hoạt động quân sự, vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Liu chỉ trích chuyến hoạt động của tàu HMS Albion, nói rằng nó gây ra nhiều vấn đề cho quan hệ Trung – Anh và gợi ý rằng Anh đang hành động thay mặt cho một cường quốc khác, ám chỉ Mỹ.

Một phát ngôn viên của chính phủ Anh khẳng định: “Anh có lợi ích lâu dài ở khu vực và cam kết duy trì an ninh ở đây. Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế trên biển Đông là bình thường và Hải quân hoàng gia Anh không phải ngoại lệ”.

“Chúng tôi vẫn cam kết khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển và trên vùng trời như quy định của luật quốc tế”, người phát ngôn nói.

Hôm 30/8, Anh cùng Pháp và Đức ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại tình hình biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang đưa đội tàu khảo sát vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuyên bố khẳng định, là thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh lợi ích của việc áp dụng Công ước trong việc xác định khuôn khổ pháp lý toàn diện mà theo đó, mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương, bao gồm biển Đông, được triển khai, và tạo ra nền tảng cho các hoạt động hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển. Nhóm cường quốc này cũng nhắc lại ý nghĩa của phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 về biển Đông.

Theo theo Telegraph
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".