Mỹ đẩy mạnh gắn camera cho cảnh sát trên cả nước

 Nhu cầu trang bị camera trở nên cấp thiết kể từ hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu nhưng ít có bằng chứng. Chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ cấp 20 triệu USD tài trợ cho các sở cảnh sát trên khắp cả nước để mua camera trang bị cho nhân viên.

Cảnh sát bang Colorado - Mỹ cầm một chiếc camera gắn trên cơ thể. Ảnh: Reuters

Hôm 30-4, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chương trình tài trợ mua camera trang bị cho cảnh sát để ghi lại quá trình họ thực hiện nhiệm vụ được Tổng thống Obama đề xuất từ tháng 12-2014. Quốc hội Mỹ đã chấp thuận khoản tài trợ đầu tiên trong tổng số 75 triệu USD dành cho các sở cảnh sát địa phương. Chương trình này sẽ triển khai trong 3 năm.

Nhu cầu trang bị camera cho nhân viên công vụ trở nên cấp thiết kể từ hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu nhưng ít có bằng chứng, bao gồm video và hình ảnh, ghi lại sự việc, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Tuần trước, thị trưởng TP Baltimore, bà Stephanie Rawlings-Blake, thông báo khởi động dự án trang bị camera thí điểm cho cảnh sát khu vực, sau khi vụ thanh niên da màu Freddie Gray (25 tuổi) - chết bí ẩn trong lúc bị cảnh sát áp giải - làm bùng lên các cuộc biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn của Mỹ.

Một số nhà phê bình cho rằng Tổng thống Obama phản ứng “hời hợt” trước các vụ nổ súng. Hôm 29-4, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố tất cả các bộ phận cảnh sát cần phải được trang bị camera giám sát trên cơ thể. Tuy nhiên, yếu tố giá cả đắt đỏ là nguyên nhân cho đến thời điểm hiện tại, kế hoạch chưa được phổ biến rộng rãi.

TP Los Angeles đang lên kế hoạch triển khai 860 camera vào mùa hè này và dự kiến mất 1,5 triệu USD cho chi phí mua thiết bị, bảo trì và lưu trữ năm đầu tiên. Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cảnh báo việc sử dụng camera trang bị cho cảnh sát phải đảm bảo quyền riêng tư đối với những người được ghi hình.

Trong khi đó, hôm 30-4, các bác sĩ pháp y ở bang Maryland đã kết luận cái chết của Freddie Gray là một vụ “giết người”. Công tố viên trưởng của TP Baltimore, bà Marilyn Mosby – người Mỹ gốc Phi, được ca ngợi vì hành động nhanh chóng để làm rõ sự việc.

Sáu cảnh sát tham gia vụ bắt giữ Gray hôm 12-4 đều bị dính cáo buộc hình sự. Một người bị cáo buộc giết người cấp độ hai và ngộ sát, 2 người khác cũng cùng tội danh ngộ sát. Thị trưởng Blake cho biết 5 trong số 6 sĩ quan đang bị giam giữ.

Tài xế chiếc xe chở Gray, Caesar R. Goodson Jr, có thể đối mặt với án phạt tối đa là 30 năm tù giam nếu bị kết án, những người còn lại có thể lãnh 3-10 năm. Ngoài Goodson, 5 sĩ quan khác gồm trung sĩ Alicia D. White, trung úy Brian Rice, 3 cán bộ William G. Porter, Edward M. Nero và Garrett E. Miller.

Hàng trăm người vui mừng nhảy múa ở TP Baltimore vì Freddie Gray được trả lại công bằng. Ảnh: Reuters

Hàng trăm người đã tụ tập ở vùng lân cận phía Tây Baltimore, nơi diễn ra cuộc bạo loạn hôm 27-4, ôm chầm lấy nhau và bóp còi xe inh ỏi khi nghe thông báo trên. James Crump, 46 tuổi, một nhân viên y tế, tỏ ra hào hứng: “Mọi người rất vui và tổ chức ăn mừng”.

Các cuộc tuần hành phản đối hành động của cảnh sát với người da màu tiếp tục diễn ra ở Mỹ hôm 1-5. Khoảng 1.000 người tụ tập ở trung tâm TP New York, trong khi số người tương tự tập trung bên ngoài tòa thị chính TP Oakland, bang California. Nhiều người mang theo biểu ngữ ghi: "Phân biệt chủng tộc là bệnh dịch", "Chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát"...

Từ ý nghĩa đòi quyền lợi cho người lao động ban đầu, tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động (1-5) ở Mỹ đã mở rộng ra thành đấu tranh cho người nhập cư và các nhóm thiểu số khác.

Theo Theo nld.com.vn