Muốn đánh chặn vũ khí siêu thanh, phải dùng vũ khí có tốc độ cao hơn và như vậy đặt ra những thách thức rất lớn.
Công nghệ siêu thanh có thể đẩy tốc độ vượt quá Mach 5 và được các nhà hoạch định quân sự và kỹ sư tên lửa nhiệt tình đón nhận.
Chẳng hạn, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga được hiểu là đang giới thiệu vũ khí siêu thanh bao gồm tên lửa không đối đất Kh-47M2 thông thường và hạt nhân, có tốc độ được tuyên bố là Mach 10.
Nhiều ý tưởng về vũ khí siêu thanh đang nở rộ: Trung Quốc được cho là đang phát triển phương tiện bay lượn DF-ZF, Nga đang phát triển tên lửa đất đối không 3M22 và mỗi binh chủng của của quân đội Mỹ lại đang điều hành một chương trình phát triển phương tiện siêu thanh.
Tên lửa siêu thanh đặt ra thách thức cho các nhà chế tạo radar do vận tốc cao, khả năng cơ động và tiết diện radar (RCS).
Trong khi phần mềm điều khiển radar phòng không trên mặt đất và trên biển hiện đại hoạt động ở tốc độ đáng ghen tị, vận tốc của vũ khí thanh vẫn có thể gây ra vấn đề.
Ví dụ, nếu một radar cần hai giây để phát hiện và theo dõi Kh-47M2, nếu bay ở Mach 10, trong thời gian đó tên lửa đã đi được gần 7 km.
Justin Bronk, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu quân sự RUSI (Anh) nói với tạp chí Air Force Technology trong một cuộc phỏng vấn rằng các hệ thống phòng thủ đạn đạo dựa vào thực tế là các tên lửa, theo bản chất của chúng, đi theo một quỹ đạo đạn đạo và do đó có thể dự đoán được.
“Một khi bạn giới thiệu một phương tiện lượn siêu thanh, nó có khả năng thay đổi hướng, thay đổi đường bay”, ông nói thêm. “Nó không đi theo một quỹ đạo có thể dự đoán được”.
“Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng ngoài hệ thống đánh chặn trên mặt đất (GBI) chưa được chứng minh đang được phát triển với chi phí lớn ở Mỹ, hiện tại không gì có thể ngăn chặn ngay cả các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tiêu chuẩn, bởi một yếu tố là chúng rất nhanh”.
Bronk chỉ ra rằng ít nhất ở Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa ICBM hiện tại tập trung vào việc bắn hạ một hoặc hai ICBM từ Triều Tiên hoặc Iran, và các hệ thống GBI của Mỹ sẽ không thể chống lại kho vũ khí chiến lược quy mô như của Nga hoặc Trung Quốc.
Đầu đạn hạt nhân có thể được gắn trên các tên lửa siêu thanh, nhưng ngay cả khi tên lửa không có đầu đạn, động năng được giải phóng khi va chạm khiến vũ khí siêu thanh vẫn cực kỳ hủy diệt. “Điều này khiến chúng đặc biệt nguy hiểm đối với tàu bè”, theo lời ông Bronk.
“Nếu bạn có một tên lửa siêu thanh trực tiếp đâm vào đuôi hoặc mũi tàu, nó sẽ xuyên qua”.
DF-21D của Trung Quốc được thiết kế cơ bản như một “sát thủ tàu sân bay”. Ngay cả khi không có đầu đạn, nếu nó bay với tốc độ cao hơn đáng kể so với Mach 5 và có thể bắn trúng boong tàu sân bay - có thể tàu không chìm, nhưng chắc chắn bị tiêu diệt.