Từ hạ lưu ngược lên đầu nguồn sông Hậu, chúng tôi đến các xã Nhơn Hội, Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, là địa bàn giáp ranh biên giới với nước bạn Campuchia.
Thời điểm này (ngày 16/9), những cánh đồng “rốn lũ” nơi đây đã tràn đầy nước từ sông Mekong đổ về, người dân thay vì nuôi trồng sản xuất những tháng trước nay chuyển sang đánh bắt tôm cá.
Cảnh sinh hoạt chợ nhộn nhịp gần khu vực biên giới.
Cua đồng là một trong những đặc sản mùa nước nổi.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, thu mua cua cho biết cua được bà thu mua ngay tại bến với giá 17.000 đồng/kg, mỗi ngày tổng cộng bà thu mua hàng tấn cua để phân phối bán ra các chợ...
Mỗi bao cua đồng này nặng khoảng 20kg, mỗi ngày tại điểm này tập kết hàng trăm bao như vậy để phân phối đi tiêu thụ.
Cá linh là đặc sản nổi tiếng mùa nước nổi ở miền Tây.
Theo bà con nơi đây, năm nay lũ về muộn hơn mọi năm, đặc sản cá linh cũng không còn dồi dào như trước, tuy nhiên bù lại giá bán ra cao hơn.
Bà Thu Sương, chủ vựa cá linh cho biết bình quân mỗi ngày bà thu được khoảng 500 - 700kg cá linh, giá bán cá tươi tại vựa là 80.000 đồng/kg (năm ngoái từ 50-60.000 đồng), cá được làm sẵn thì từ 110.000 đồng/kg trở lên.
Chị Thảo, một trong những người làm cá thuê tại đây cho biết mỗi kg cá linh chị làm sẵn được trả công 25.000 đồng, mỗi ngày chị làm được khoảng 10kg trở lên. Thu nhập này ở vùng quê miền biên giới không phải là nhỏ so với làm những việc khác.
Tranh thủ lót dạ để tiếp tục bận rộn với mùa nước lên.
Trẻ em cũng thích thú với nước.
Bông điên điển cũng là đặc sản của miền Tây sông nước, loại hoa sống ven bờ sông này được dùng ăn kèm với cá linh là món "sở trường" của mùa nước nổi.
Trên cánh đồng ngập nước ở xã Phú Hữu, người đàn ông này mỗi ngày kiếm được khoảng 5-7kg cá các loại. Theo ông, cá hiện nay đã giảm so với các năm trước.
Bên cạnh cá, cua, chuột cũng là một sản vật mùa nước nổi được người dân đánh bắt.
Một góc chợ quê miền biên giới bên cạnh hoạt động thu mua sản vật mùa nước nổi.