Mường Lò mở hội đêm nay

TP - Vòng đại xòe Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) hai năm trước được xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Đêm nay (12/9), một lần nữa, nét đẹp văn hóa dân tộc tỏa sáng ở thung lũng xanh, đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc.

Nằm bên quốc lộ 32, tuyến đường độc đạo đi vào miền Tây Bắc của Tổ quốc, thị xã Nghĩa Lộ có hệ thống giao thông đường bộ khá thuận lợi. Từ Nghĩa Lộ có thể đi các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, thành phố Yên Bái và các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Thủ đô Hà Nội bằng ô tô trong ngày dễ dàng. 

Cánh đồng Mường Lò rộng lớn bao trùm hầu hết lòng chảo tự nhiên của thị xã Nghĩa Lộ với diện tích hơn 3.000ha, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây cảnh quan và thổ nhưỡng gây cảm xúc kỳ lạ cho bất kỳ ai dẫu đã nhiều lần đặt chân đến. Lúa vào mùa trổ đòng xanh mướt mát đến tận chân núi, những nếp nhà sàn hiền hòa nằm xếp dọc con suối Thia chảy qua lòng thung lũng, hàng cây hoa ban hồn nhiên gợi đến bản tình ca Tây Bắc, và những chàng trai, cô gái Thái trắng trẻo, thật thà nở nụ cười trong sáng có sức sống tươi tắn. Một vùng văn hóa hội tụ tình đoàn kết của người Tây Bắc không thể bỏ qua cho du khách miền xa ghé thăm. 

Thị xã thành lập từ năm 1971 từng trải qua bao biến cố lịch sử gắn với chiến tranh, nhất là thời kỳ chống Pháp, đang thay đổi diện mạo được tỉnh Yên Bái phê duyệt đề án phát triển thành thị xã kinh tế, du lịch. Dân số 29 ngàn người, 17 dân tộc anh em chung sống đoàn kết như vòng xòe đằm thắm. 

Những con số là thông điệp về nỗ lực thoát nghèo của đất và người Nghĩa Lộ ngày nay: Tăng trưởng kinh tế 15%, thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/năm, sản lượng lương thực có hạt 9.000 tấn/năm, thu nhập nông lâm nghiệp 125 triệu đồng/ha, thu nhập dịch vụ 60%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13%, hàng chục hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng với lượng khách đón hằng năm lên tới 55.000 người, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đang phát triển ấn tượng đảm bảo ăn nghỉ cho khách lưu trú.

Nhà sàn và cánh đồng Mường Lò là cảnh quan có nét đẹp đặc trưng của Nghĩa Lộ. “Nhất Thanh nhì Lò” – câu nói kết lại vẻ đẹp của thung lũng chỉ đứng sau Mường Thanh ở Điện Biên thuộc vùng Tây Bắc. Văn hóa ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hóa Mường Lò. Câu ca đã trở thành quen thuộc như: “Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”  gợi nhớ về một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng của vùng đất này.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái kiểm tra và chỉ đạo thực hiện xây dựng Thị xã du lịch tháng 8/2015. Là địa bàn được Yên Bái quan tâm trọng điểm, giai đoạn vừa qua, Nghĩa Lộ đã được đầu tư với tổng nguồn lực hơn 2.000 tỷ đồng cho các công trình và thiết chế cơ sở hạ tầng cơ bản cho người dân hưởng lợi trong đời sống kinh tế xã hội và sẵn sàng đón khách du lịch. Làm đường lớn, xây cầu hiện đại, bảo tồn và gìn giữ văn hóa, xây dựng nông thôn mới, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, tất cả được tăng cường và nâng tầm rõ rệt 5 năm qua.

Suối Thia đẹp nổi tiếng của thung lũng Mường Lò. Không chỉ cung cấp nguồn nước thủy lợi và sinh hoạt quan trọng cho cánh đồng và người dân miền Tây, suối còn là địa chỉ văn hóa giàu bản sắc gắn bó với người Thái hàng trăm năm qua.

Vòng đại xòe Mường Lò. Thu hút hàng ngàn người dân, nghệ nhân, diễn viên tham gia xác nhận kỷ lục Việt Nam như một điểm nhấn văn hóa đặc biệt ở miền Tây Bắc. 6 làn xòe cổ còn lưu giữ được đến ngày nay hội tụ nét tinh hoa nghệ thuật và toát lên tình cảm, đoàn kết các dân tộc anh em nơi đây - đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Người Mường Lò có câu: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Xòe Thái có nhiều điệu tiêu biểu như xòe quanh đống lửa, xòe nâng khăn mời rượu, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe vòng tròn vỗ tay... Âm thanh, vũ điệu của xòe vừa tưng bừng, vừa thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Tay trong tay xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Xòe không còn là của riêng người Thái mà đã trở thành tài sản vô giá của nhân dân các dân tộc MườngLò.

Những cô gái Thái xinh đẹp trong đêm xòeNgười Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Phụ nữ Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc). Con gái Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động, mặc áo bó từ nhỏ. Phụ nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ. Con gái Thái cũng rất khéo tay khi may thêu vải thổ cẩm – sản phẩm thể hiện tâm hồn dịu dàng, trong sáng nhất mà phụ nữ Thái vừa thầm lặng, vừa kiêu sa bày tỏ.

Một góc thị xã Nghĩa Lộ ngày nay.