Kỳ 1: Mùa tình yêu ở đại ngàn
Các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt cùng những mối quan hệ cổ truyền tốt đẹp. Dẫu vậy, nơi đây còn nhiều luật tục như: Bắt chồng, nối dây và phạt vạ…khiến người trong cuộc dở khóc, dở cười.
Tục “cưới nợ”
Khi hoa cà phê nở trắng bồng bềnh trên nương rẫy, hoa pơ lang đỏ thắm giữa ngàn xanh, những chú ong bay đi lấy mật…khắp các buôn làng, thôn xóm tràn đầy sức sống, những thiếu nữ đến tuổi cập kê rạo rực chuẩn bị sính lễ cho mùa “bắt chồng”. Tại những bến nước trai gái trao gửi yêu thương... Đó là mùa tình yêu trên đại ngàn Tây Nguyên.
Dọc những ngôi nhà sàn gỗ của đồng bào Gia Rai ở buôn C1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, những bó củi được xếp dưới sàn nhà hay bên góc sân là sính lễ của cô gái Gia Rai đi bắt chồng. Trong mùa tình yêu, lời tỏ tình của người Gia Rai xuất phát từ tấm lòng của người con gái, khi người con trai đồng thuận thì cặp trai gái ấy sẽ tìm hiểu rồi yêu nhau. Chàng trai sẽ làm một chiếc vòng cầu hôn để minh chứng cho tình yêu nồng nàn cho cô gái.
Theo già Y Phi M’Jâu (thị trấn Ea Súp) trước đây khi muốn bắt chồng thì người phụ nữ Gia Rai phải biết nấu cơm, dệt vải và chặt củi. Đối với người Gia Rai, những thanh củi mang một sức mạnh huyền bí, vừa mang ý nghĩa kết nối lại vừa mang một quy ước, một lời thề ngầm về hạnh phúc gia đình. Ở buôn làng người Gia Rai bây giờ, tục lấy củi cầu hôn còn ít nhưng bà con vẫn duy trì phong tục lấy củi vì đối với dân tộc Gia Rai thì bếp lửa không thể thiếu trong nhà. Nhưng bà con chỉ lấy những cành cây khô, gãy rụng trên rừng chứ không chặt cây rừng.
Chị H’Hiêng Ađrơng (thị trấn Ea Súp) cưới chồng cách đây 4 năm chia sẻ: Mùa bắt chồng rộn ràng náo nhiệt nhưng để hỏi được một người chồng còn phải có lễ vật thách cưới. Đám cưới của người Gia Rai tưởng chừng rất đơn giản, không tốn kém. Có bữa tiệc cưới chỉ cần 1 con gà, 1 ghè rượu thế là cô dâu chú rể đã được hai họ công nhận vợ chồng nhưng đó chỉ là cô dâu nghèo được “nợ cưới” khi bắt chồng. Khi nào gia đình cô dâu có điều kiện thì phải trả nợ cho họ nhà trai và dân làng một đám cưới chính thức. Trong luật tục quy định: Nếu con gái chưa trả được nợ cưới, cha mẹ muốn làm lễ mừng thọ thì không được thui bò. Những đứa con sau muốn bắt chồng cũng không được làm lễ cưới. Nếu bố mẹ đột ngột qua đời mà nhà trai làm khó dễ sẽ không cho chôn. Tuy nhiên, ngày nay tục lệ này chỉ còn lại rất ít ở một số tộc người Gia Rai. Họ đã xóa bỏ giảm bớt những thủ tục để con cháu được sống vui vẻ, hạnh phúc.
Ông Y Bơr Kbuôr, buôn trưởng buôn A1, thị trấn Ea Súp cho biết: Con gái đi cưới chồng thì phải chịu những lễ vật do nhà trai đưa ra. Theo quan niệm của nhà trai, thách cưới là một việc làm cần thiết, khi gia đình mất đi một lao động chính. Nhiều lúc thách cưới cao khiến đôi vợ chồng trẻ phải còng lưng làm trả nợ. Nhưng đây là tập quán từ xưa nên khó bỏ. Tuy nhiên những năm gần đây việc thách cưới đã giảm đáng kể.
Phận…kèo dưới của trai buôn
Cộng đồng dân tộc Tây Nguyên mang đậm chế độ mẫu hệ, lễ hỏi chồng của đồng bào Ê Đê còn duy trì phổ biến hầu khắp các buôn làng. Là thân trai được vợ cưới ấy thì phận trai đúng là 12 bến nước, suốt đời ở nhà vợ. Được vợ cưới về mà làm điều sai trái có lỗi bị vợ đuổi ra khỏi nhà phải răm rắp khăn gói ra đi.
Đến xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, có thời gian trò chuyện cùng người đàn bà quyền lực H’Khăm Lâm (hay còn gọi Ami Pheng, sinh năm 1973). Họ thường nói phụ nữ chân yếu tay mềm, đối với chị em phụ nữ đồng bào nơi đây từ khi còn con gái đã xẻ gỗ, bổ củi…cưới chồng về còn là trụ cột gia đình. Chị kể, chồng chị hiền lành, chăm chỉ. Anh đi đâu phải báo chị biết, làm được tiền về đưa hết cho vợ, mọi chuyện trong gia đình chị là người quyết định cuối cùng nhưng chị rất tôn trọng chồng mình, có chuyện gì đều bàn bạc cùng anh. Nở nụ cười hiền, anh Y Đeng Byă (chồng chị H’Khăm Lâm) chia sẻ: Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do vợ quyết định, nhưng tôi thấy những gì vợ làm đều rất đúng.
Cách đó vài ba nóc là nhà Ami Ni Sân, bà con trong buôn đã bao lần chứng kiến ông Ma Ni Sân ôm đồ về nhà cha mẹ đẻ, đến khi vợ nguôi giận, ông mới dám về năn nỉ vợ cho vào nhà. Theo Ami Sân, chồng bà rất thích nhậu, mỗi lần nhậu say ông lại chửi bới vợ con. Đỉnh điểm có một lần ông say đã cầm tô sành ném trúng trán bà chảy máu. Lần này bà đã thưa chuyện với già làng. Cha mẹ Ma Ni Sân phải mang một con heo và một ché rượu cần nộp phạt, từ đó ông ít nhậu hơn và không dám ra tay với vợ.
Chị H’Khăm Lâm chia sẻ: Trong quá trình chung sống với nhau nếu không may người vợ chết, người em gái của vợ tiếp tục thay chị làm vợ và có trách nhiệm nuôi các cháu. Đó là tục Juê Nuê (nối dây) của đồng bào Tây Nguyên. Trong buôn này, trước có nhiều trường hợp không đồng ý nối dây bởi họ cảm thấy giữa họ không có tình yêu. Những trường hợp như vậy sẽ bị già làng, dòng họ phạt. Người nối dây phải chịu phạt đầy đủ thì mới có quyền cưới người khác. Nhiều người bảo tục này lạc hậu cần phải loại bỏ.
Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung (giảng viên trường Ðại học Tây Nguyên, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Ê Ðê) nhận xét: Lâu nay nhiều người nhìn nhận đánh giá một chiều, chưa hiểu hết nội hàm cũng như giá trị nhân văn của tục nối dây. Luật tục Juê nuê không lạc hậu ấu trĩ mà mang tính nhân văn rất cao trong việc bảo vệ sự bền vững trong hôn nhân, đồng thời bảo vệ quyền lợi bên dòng họ mẹ, có nghĩa bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ.
Những người phụ nữ Gia Rai đi bộ lấy củi