BHXH Việt Nam:

Mục tiêu hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018

TP - Còn hơn 1 tháng nữa hết năm 2018, ngành BHXH đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm nay. Đây là yêu cầu được lãnh đạo BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với BHXH các địa phương Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2018, vừa diễn ra.
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phân đấu đạt và vượt các mục tiêu đặt ra cho năm 2018. Ảnh: Giao dịch tại BHXH Lào Cai.

Tạo tiền đề cho năm sau

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2018 toàn Ngành tập trung quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018 để tạo tiền đề cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Theo đó, các nhiệm vụ cần tập trung gồm: Thu, giảm nợ; trả sổ BHXH cho người lao động; rà soát cơ sở hộ dữ liệu hộ gia đình; chi khám chữa bệnh BHYT; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; giải quyết thủ tục hành chính… BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung vào trọng tâm trọng điểm, giải quyết các vướng mắc, bàn các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hai tháng cuối năm nhiệm vụ thu, giảm nợ BHXH và phát triển đối tượng còn rất nặng nề. Chính phủ vừa điều chỉnh chỉ tiêu thu của ngành thêm 3.500 tỷ… Do đó, ông Liệu đề nghị, BHXH các địa phương tập trung thanh kiểm tra, đối chiếu số liệu ngành thuế để phát triển đối tượng và đốc thu; mở rộng mạng lưới đại lý thu…

Với BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, BHXH địa phương tập trung xử lý một số nhóm nhiệm vụ trong thực hiện chính sách BHYT. Từ ngày 1/12/2018, một số văn bản trong lĩnh vực BHYT có hiệu lực, trong đó có Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Thông tư 30/2018 của Bộ Y tế.

Hai văn bản này sẽ tác động tới phát triển đối tượng, quyền lợi mức hưởng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, các Ban nghiệp vụ sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện. BHXH các địa phương cũng cần tập trung cho công tác quyết toán năm 2018, trên cơ sở hệ thống giám định BHYT điện tử. Toàn ngành cũng tập trung cho công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Bên cạnh đó, cần phải quyết liệt thay đổi mô hình và tổ chức công tác giám định…

Các mục tiêu sắp cán đích

Theo BHXH Việt Nam, hết tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người. Trong đó, BHXH bắt buộc 14,31 triệu người (đạt 97,7% kế hoạch năm); BHXH tự nguyện 254 nghìn người (đạt 76,6% kế hoạch năm); Bảo hiểm thất nghiệp đạt 12,24 triệu người (đạt 95,2% kế hoạch năm).

Cùng đó, có hơn 82,38 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số. Tổng số thu BHXH hơn 294 nghìn tỷ đồng (đạt 89,2% kế hoạch năm), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so với kế hoạch giao thu năm 2018. Tính đến ngày 20/11, cả nước đã rà soát, bàn giao hơn 13,1 triệu sổ BHXH cho người lao động đang tham gia (đạt 99,66% trên tổng số lao động đang tham gia BHXH). Tính đến 20/11/2018, Chính phủ, Thủ tướng đã giao BHXH Việt Nam thực hiện 64 nhiệm vụ. Trong đó, 33 nhiệm vụ đã hoàn thành; 31 nhiệm vụ trong hạn và không có nhiệm vụ quá hạn.

Tuy vậy, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn một số tồn tại hạn, như: Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp còn phổ biến. Một số địa phương vẫn chậm chuyển số tiền đóng và hỗ trợ đóng BHYT từ nguồn ngân sách cho các đối tượng tham gia BHYT. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương; việc triển khai thực hiện công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT tại một số tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở y tế nhằm trục lợi quỹ BHYT vẫn còn phổ biến…

Kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương yêu cầu, toàn ngành tập trung vào công tác thu, phát triển đối tượng; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; tăng cường công tác giám định BHYT; rà soát dữ liệu hộ gia đình; kiểm soát công tác bàn giao sổ BHXH tới tận tay người lao động; Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT.

Đẩy mạnh việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở y tế có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định; tăng cường thanh kiểm tra, thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Khẩn trương xử lý những tồn tại trong công tác quyết toán năm 2017, đặc biệt là quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Đôn đốc các bệnh viện cập nhật kịp thời dữ liệu khám chữa bệnh BHYT lên Hệ thống Thông tin giám định BHYT ngay khi bệnh nhân ra viện; đồng thời lưu ý những cảnh báo bất thường và thông báo kịp thời để kiểm tra. “Những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của Ngành hết sức nặng nề. Đề nghị toàn ngành tập trung, quyết liệt hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, ông Khương yêu cầu.

Theo BHXH Viêt Nam, lũy kế tới tháng 11/2018, BHXH Việt Nam đã giải quyết 112.782 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Cùng đó, ngành BHXH đã giải quyết 743.418 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; hơn 7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; hơn 1,6 triệu người hưởng chế độ thai sản; 318.675 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 710.380 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 35.032 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Với BHYT, tới nay đã giải quyết hơn 161 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.