Múa rối với thịt bò sống, bánh gato, xúc xích

TP - “Tôi có thể dùng bánh gato, xúc xích mua trên đường phố làm đạo cụ cho vở rối. Trong vở rối vua Charles, tôi dùng tới 1 kg thịt bò cắt lát, rồi đắp lên mặt… Khán giả rất thích thú”. Nghệ sỹ múa rối Stéphane Georis đến từ Bỉ đã chia sẻ như vậy khi ông tới Việt Nam tham dự Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 4 diễn ra từ ngày 10/10 đến 16/10.
Stéphane Georis biểu diễn với đạo cụ là... thịt bò sống.

Trong thời gian tham dự Liên hoan tại Việt Nam, Stéphane Georis đã có hai buổi biểu diễn, một tại Nhà hát múa rối Trung ương, một tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam. Chỉ với một chiếc bàn với mấy cuốn sách cùng với những con rối nhỏ xinh, ông đã đem đến cho khán giả mọi lứa tuổi những tràng cười sảng khoái và thích thú. Đến Việt Nam lần này, vở “Richard, thầy giáo dạy văn” do đoàn múa rối Des chemins de terre và đích thân Stéphane Georis, diễn viên kỳ cựu và cũng là người sáng lập đoàn, thể hiện. Nội dung của vở rối là bài giảng vô cùng hài hước với những đồ vật - rối giúp khán giả có thể hiểu được các tác phẩm văn học của đại văn hào Shakespeare. Vở rối này đã được BTC trao tặng Huy chương vàng. TPCN đã có cuộc trò chuyện với nghệ sỹ rối Stéphane Georis.

Vở rối “Richard, thầy giáo dạy văn” mà ông trình diễn tại Việt Nam lần này có gì khác biệt, thưa nghệ sỹ Stéphane Georis?

Đó là vở rối mà tôi lồng ghép 3 tác phẩm kinh điển của đại văn hào William Shakespeare là Hamlet, Romeo và Juliet và Vua Richard III. Do thời lượng hạn chế của Liên hoan, tôi phải lược bớt phần cuối, phần mà tôi yêu thích nhất, cũng được khán giả hoan nghênh nhiều nhất mỗi khi tôi biểu diễn. Để thực hiện đoạn trích của Vua Richard III, tôi đã phải dùng tới 1 kg thịt bò sống, xắt lát mỏng và đắp lên mặt. Tôi muốn hóa thân vào nhân vật, đưa đến cảm giác đau buốt của việc cứa vào da thịt để tạo sự rung cảm của khán giả cũng như để nói lên khát vọng hòa bình, không có chiến tranh.

Ở Việt Nam, sân khấu múa rối hơi cao, nên tôi chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Còn ở  Bỉ, tôi thường ngồi xen lẫn với khán giả để biểu diễn. Múa rối là vậy. Nó khác với xem TV là ở chỗ đó, nơi nghệ sỹ và khán giả được giao lưu với nhau nhiều nhất có thể. Vì đây là nghệ thuật sống động, chứ không phải là ảo trên màn hình.

Stéphane Georis biểu diễn tại Việt Nam.

Bằng việc lồng ghép những yếu tố hài hước vào trong vở rối, ông muốn những tác phẩm văn học kinh điển trở nên gần gũi và dễ hiểu đối với khán giả?

Đúng vậy. Nói chung, để khán giả yêu thích và cảm nhận được văn học, tôi nghĩ cần phải có nhiều cách tiếp cận phong phú và đa dạng. Thoạt đầu, tôi muốn tạo hứng thú cho học sinh và sau này khi trở thành sinh viên, chúng sẽ yêu thích văn học. Tôi chọn tác phẩm “Romeo và Julie” vì trong đó có tình yêu, có cãi cọ, có chiến tranh. Tôi cũng trích câu nói nổi tiếng của Romeo: Vì sao chúng ta phải tồn tại trên trái đất này? Câu trả lời: Chúng ta cần phải yêu và sống.

Vở rối của ông cũng khá nhiều ngẫu hứng?

Đừng nghĩ múa rối thì chỉ có con rối. Tôi luôn ngẫu hứng trong mỗi vở rối của mình. Đôi khi tôi mua chiếc bánh ga tô, hay xúc xích trên đường phố để làm đạo cụ cho vở rối của mình.

Điều khá lạ là vở rối của ông dành cho người lớn?

Đúng vậy. Ở Bỉ có tất cả hơn 40 đoàn múa rối, nhưng chỉ có 5 đoàn dành cho người lớn, còn lại là dành cho trẻ em. Đối với nhiều người, múa rối là dành cho trẻ em. Ở Bỉ ban đầu người ta cũng có quan niệm như vậy. Thế nhưng, chúng tôi đã chứng minh được rằng, các vở rối cũng hấp dẫn cả người lớn và hiện nay số người lớn đi xem múa rối ngày càng nhiều.

Stéphane Georis ngoài đời.

Tôi không bao giờ trình diễn vở rối ở trường học. Thay vào đó, tôi biểu diễn cho các gia đình. Vì nếu con cái đi xem cùng bố mẹ, có những chỗ chúng chưa hiểu, bố mẹ chúng sẽ giải thích cho chúng biết. Chứ trẻ nhỏ quá chưa thể hiểu được nội dung vở rối của tôi.

Nghệ sỹ như ông có thể sống bằng nghề?

Chính phủ Bỉ có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ cho nghệ sỹ. Chẳng hạn, tôi được mời tham gia Liên hoan múa rối quốc tế tại Việt Nam lần này là có sự hỗ trợ về đi lại, ăn ở của Phái đoàn Wallonie Bruxxels của Bỉ. Chính vì thế, tôi có nhiều cơ hội đi tham gia nhiều festival trên thế giới như tại Argentina, Brazil, Anh… Có thể nói, tôi sống được bằng nghề, có thể nuôi được 3 đứa con, tất nhiên không phải dư dả. Rất may, các con tôi đều yêu thích công việc của bố và và chúng đều theo nghề múa rối.

Xin cảm ơn ông.

Stéphane Georis là khách mời danh dự của Liên hoan Múa rối Quốc tế năm 2013 tại Charleville-Mézières (Pháp), tác giả của hàng chục cuốn sách về những chuyến du hành, tình yêu và thơ ca. Ông cũng là người sáng lập ra “Những chú hề không biên giới” (Bỉ), một trong những Festival đường phố nổi tiếng nhất của Bỉ. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của tờ báo đường phố độc nhất tại Bỉ: La Gazette des Chemins de terre.

Không chỉ vào vai thầy giáo văn học, ông còn hóa thân vào vai thầy giáo triết học, giáo sư phòng thí nghiệm… để làm cho những môn học vốn khô cứng trở nên hấp dẫn.