Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, từ đêm qua đến hôm nay, lượng mưa ghi nhận tại xã Lăng Can lên tới 102mm, xã Bình An 78mm (huyện Lâm Bình); xã Tân Thanh 100mm, xã Thiện Kế 93mm (huyện Sơn Dương); xã Yên Lâm 101mm, xã Bằng Cốc 73mm (huyện Hàm Yên);…
Trên địa bàn các huyện và thành phố Tuyên Quang đã xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối, lũ cục bộ trên các suối nhỏ. Mưa lũ đã khiến 1 người chết (bị lũ cuốn trôi) và hàng chục ha hoa màu bị ngập, úng.
Tại Lào Cai, lượng mưa từ tối qua đến hôm nay được ghi nhận có 7 trạm mưa rất to từ 102mm-159mm; 16 trạm mưa to từ 52mm-82mm... Mưa lớn khiến gần 80 ngôi nhà bị ngập úng, hư hỏng nhiều vật dụng của người dân.
Nhiều công trình thủy lợi, kênh mương, trạm y tế bị ảnh hưởng, sạt lở. Đặc biệt, mưa lớn cục bộ gây ngập úng tại một số điểm trên tuyến đường Trần Hưng, đường Hoàng Quốc Việt (TP Lào Cai).
Đáng chú ý, tại Cao Bằng, mưa lũ ở một số huyện như Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm...đã khiến 2 người chết, khoảng 650 nhà ở sập đổ, ngập sâu trong nước; hơn 1.600 ha lúa, hoa màu bị ngập nước. Mưa lũ cũng cuốn trôi hàng trăm gia súc, gia cầm, và sạt lở nhiều điểm trường, công trình thủy lợi...Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra trong hai ngày qua ước tính trên 15 tỷ đồng.
Hiện, toàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều xóm bị cô lập do ngập lụt. Trong đó, một số xóm tại xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh bị ngập sâu khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tại Thái Nguyên, nhiều địa phương bị ngập lụt, giao thông chia cắt, nhiều hộ dân bị cô lập...Cụ thể, các xã Cát Nê, Ký Phú và thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị ngập sâu. Trong đó, cây cầu dân sinh tại thị trấn Quân Chu bị hư hỏng, phải tạm ngừng lưu thông.
Hơn 10 ngầm tràn của thị trấn cũng bị ngập sâu trong nước, gây chia cắt cục bộ hầu hết các tổ dân phố (trị trấn có 15 tổ dân phố).
Một số xã phía Tây của thành phố Phổ Yên cũng bị ngập sâu, giao thông bị ảnh hưởng, gián đoạn. Hơn 40 hộ dân tại xã Minh Đức bị cô lập.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và thủy văn quốc gia, trong chiều nay, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, một số nơi trên 80mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi sát sao các bản tin dự báo và cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông báo kịp thời và đầy đủ cho chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại.
Song song với việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương khẩn trương triển khai lực lượng xung kích để kiểm tra và rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương cần chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời và sơ tán người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Lạng Sơn công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Văn bản số 1525/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do ảnh hưởng của cơn mưa trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Văn bản nêu rõ: Do ảnh hưởng mưa lớn xảy ra trên địa bàn đã gây ra sạt lở đất taluy âm và taluy dương trên các tuyến đường thuộc địa bàn các xã Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha và phường Chi Lăng.
Đây là đợt mưa kéo dài bất thường đã làm sạt lở bồi lấp rãnh dọc, thượng hạ lưu, lòng cống, sụt lở ta luy âm; sụt trượt ta luy dương; ngập úng cục bộ gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông; thiệt hại lớn về tài sản trong đó có gây ảnh hưởng, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của một số tuyến. Đặc biệt tuyến Đường Văn Vỉ sạt lở 1 vị trí taluy dương; đất, đá lấp toàn bộ mặt đường và toàn bộ rãnh dọc tại vị trí sạt lở; 1 vị trí sạt lở taluy âm, gây gãy và trôi nền mặt đường, cạnh giáp taluy dương dài 34,0m, cạnh taluy âm dài 65,0m, nền mặt đường trôi về phía taluy âm khoảng 12m, chiều sâu 2÷5m, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND thành phố Lạng Sơn theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông. Đồng thời địa phương theo phạm vi, trách nhiệm quản lý: triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai quy định. Trong đó, triển khai rà soát, xác định cụ thể các vị trí kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị thiệt hại, hư hỏng do các tình huống thiên tai nêu trên gây ra, báo cáo UBND tỉnh ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.
Khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo tình huống khẩn cấp về thiên tai nêu trên, báo cáo UBND tỉnh để làm cơ sở công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.