Sáng 13/2, tại phiên họp thứ 20, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng, nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
“Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, tính nghiêm minh của Luật Kiểm toán Nhà nước”, ông Tuấn cho hay.
Theo Tổng Kiểm toán, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.
Vì vậy, dự thảo pháp lệnh quy định: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, dự thảo pháp lệnh cũng quy định về hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước.
Trong đó, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ.
Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công; phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán.
Góp ý về dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành pháp lệnh này rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước. Cho đến nay chưa có văn bản nào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Chính sách này đặc thù và khó chứ không phải dễ.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về biện pháp khắc phục hậu quả - nộp lại số tiền được hưởng lợi vì “kiểm toán viên, người nhà kiểm toán được hưởng lợi”. Hơn nữa, nếu loại trừ việc xử phạt vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì tác động của pháp lệnh có lớn không, hay ban hành pháp lệnh ra chỉ để giải quyết một khe rất hẹp?
Giải trình thêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối tượng xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó đã loại trừ đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công, mà sẽ bị kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông, pháp lệnh này không thể quy định xử phạt vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, vì Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu phải xử lý kỷ luật.
Tuy vậy, Uỷ ban Pháp luật cũng sẽ rà soát, tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh, báo cáo lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, đây là việc khó, lần đầu tiên tiến hành nên còn những lúng túng. Ông đề nghị làm rõ tính khả thi của các quy định, bảo đảm sự cân đối, ngang bằng về quyền và trách nhiệm của chủ thể đi kiểm toán, người đi kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu dự thảo phải cố gắng hoàn chỉnh để ký ban hành trong tháng 2, có hiệu lực từ 1/5, chứ không nên có hiệu lực vào tháng 4/2023 vì như vậy là quá gấp.