Kỳ 1: Ruộng bậc thang vàng và rừng vầu xanh ngắt
Chủ quan một chút, chúng tôi quyết định đi Mù Cang Chải giữa tháng 9 này để ngắm lúa vàng trên các ruộng bậc thang hơi muộn, chỉ dăm ngày trước khi khởi hành. Nên phải nhờ anh em quen biết trên huyện đặt chỗ nghỉ mà cũng không đủ được cho đoàn 10 người, phải nằm chung trong 3 phòng, mặc dù ở thị trấn có 91 cơ sở lưu trú, trong đó có 15 nhà nghỉ còn lại là nhà dân làm du lịch (home stay), tổng cộng 2.500 giường.
Một số người từng đi trước đây nói rằng ngày xưa đi từ Hà Nội lên Mù Cang Chải cực vất vả, chỉ một chiều đã mất đẫy hai ngày, có khi hơn nếu thời tiết, đường sá không thuận lợi. Giờ có con đường cao tốc Hà Nội Lào Cai, rồi tuyến Yên Bái – Nghĩa Lộ, Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải theo đường 32 đều đã được sửa chữa, nâng cấp, mặt đường tốt nên đi chỉ còn mất 6 – 7 tiếng đồng hồ.
Lúa vàng La Pán Tẩn
Mù Cang Chải gần như đồng nghĩa với ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thì trong đầu nhiều người chính là La Pán Tẩn. Xã này có quả đồi Mâm Xôi nổi tiếng với những tầng ruộng bậc thang vàng rực tháng 9, tháng 10 khi lúa chín và sáng lấp loáng vào tháng 5 dịp mùa nước đổ (lấy nước vào ruộng để gieo cấy). Thấy bảo dịp tháng giêng, tháng hai thì lại vàng ươm màu hoa cải. Ảnh đồi Mâm Xôi được in rất nhiều như là một trong những biểu tượng không chỉ của Mù Cang Chải mà cả tỉnh Yên Bái. Khu vực đồi Mâm Xôi đã được Bộ Văn hoá xếp hạng danh thắng quốc gia.
Cuốc xe ôm khoảng hai cây số từ đường 32 lên điểm cao để ngắm khu vực đồi Mâm Xôi cũng là một trải nghiệm khó quên. Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh mà còn thưởng thức cảm giác mạo hiểm khi con đường bê tông bề ngang khoảng 1 mét, rất dốc, rất uốn lượn đó một bên là vách núi một bên là bờ cây trên vách vực. Nhưng cánh xe ôm người Mông mùa này rất đông đúc quả là những tay lái lụa. Họ lao vun vút trong khi liên tiếp có những xe ngược chiều làm tôi, một người từng chơi trò mạo hiểm ở vài nơi trên thế giới nhiều khi phải nhắm mắt lại.
Cảm giác “mạnh” như thế nhưng du khách người lớn, trẻ con đều đến đích an toàn và đông chật cả khiến đoạn cuối vài chục mét lên đỉnh cao đó mùa này lúc nào cũng ùn tắc.
Hai chiều lên xuống như thế là 60 nghìn đồng (thả khách xong, người chở lại chạy tiếp, khách chơi chán thì gọi điện để đón). Các chàng trai người Mông nói mùa du lịch thì đi làm xe ôm, còn lại thì đi làm thuê.
Nhìn xuống, thấy cái thung lũng khá rộng không sâu lắm ấy thấy có hai quả đồi cân đối, rất đẹp. Một quả chân và lưng chừng vẫn lúa nhưng nóc thì được trồng hoa. Đồng bào Mông đã biết tối ưu hoá sản phẩm du lịch. Bên cạnh đồi Mâm Xôi và các triền đồi khác (hình thế không được rõ đẹp) lớp lớp là ruộng lúa bậc thang thì nóc quả đồi còn lại này trồng các loại hoa cúc bướm, tam giác mạch… để du khách vào chụp ảnh. 10.000 đồng một khách.
Khá đông đồng bào Mông đến đây làm các dịch vụ đơn giản như cho thuê váy áo dân tộc (khá sặc sỡ và đẹp), vòng bạc, xà tích…; bán các sản vật địa phương như măng, bí ngô, mật ong, rau rừng, cải mèo… Hoặc chỉ đơn giản là những phụ nữ trẻ mặc đẹp đeo gùi, bế - địu con đứng đó để du khách chụp ảnh cùng. Thường đưa bao nhiêu tiền thì họ nhận bấy nhiêu. Tuy nhiên, vì làm du lịch nên người Mông cũng đã biết đòi tiền đền bù khi khách lội vào ruộng chụp ảnh làm nát đi vài khóm lúa.
Rất đông du khách rời đỉnh cao quan sát để xuống các ruộng bậc thang. Nhiều người thuê cả bộ áo váy, mũ trang sức. Cỏ khi cả nhóm, cả gia đình đều thay trang phục như vậy, nhìn xa không biết đâu là du khách, đâu là đồng bào Mông bản địa. Đi trên những bờ ruộng bậc thang không phải là dễ. Bề ngang thường chỉ gang tay nên cảm giác rất chênh vênh, mỏng manh, đôi chỗ lại có cảm giác đất khá mềm có thể vỡ nữa. Xuống các ruộng bậc thang vàng lúa giữa mênh mông là núi, là rừng, là trời, là mây và nhìn xuống kia là ngoằn ngoèo con đường 32 sáng trắng lên giữa màu xanh miên man có cảm giác rất lạ. Và đối với những người ưa chụp ảnh thì khỏi phải nói, đây là một đất diễn mênh mông.
Hôm sau đi sâu hơn vào Mù Cang Chải, tôi mới biết là ở huyện này còn nhiều nơi có ruộng bậc thang hùng vĩ hơn, đẹp hơn cả khu vực đồi Mâm Xôi của La Pán Tẩn. Và ruộng bậc thang ngày càng nhiều ở Mù Cang Chải và Yên Bái. Tỉnh có chủ trương làm thêm nhiều ruộng bậc thang, vừa giúp đồng bào có thêm lương thực vừa tăng hiệu quả du lịch. Chỉ năm 2019, theo Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Đoàn Thị Thanh Tâm, riêng Đoàn Thanh niên tỉnh đã giúp đồng bào làm thêm được 50 héc ta ruộng bậc thang. Và cũng năm 2019, riêng một xã như Lao Chải, nơi có bãi đá cổ nổi tiếng có hình vẽ của người xưa đã làm thêm được 65 héc ta, như lời của Bí thư Đoàn xã Lý Thị Thiêm.
Xanh vầu Mồ Dề
Đích thân Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên dẫn chúng tôi lên rừng vầu ở xã Mồ Dề, cách không xa thị trấn.
Con đường lên rừng vầu còn “cảm giác mạnh” hơn cả đường lên La Pán Tẩn, bởi nó không chỉ dốc hơn mà còn có mấy cái cua tay áo. Tài cái là các xế xe ôm người Mông ở đây vào các cua như thế không giảm tốc độ (vì vẫn đang lên dốc) mà hơn chục người chúng tôi đến đích chả hề hấn gì.
Từ thế giới vàng bậc thang, ta lại lạc vào thế giới xanh ngắt của rừng vầu mênh mông trải kín 3 quả đồi. Không biết vì đường khó đi hay còn ít người biết mà còn chưa nhiều du khách đến đây. Nhưng xin thưa là rừng rất đẹp. Những thân vầu tròn trịa, nhẵn không có cành gai, san sát vút lên cao mới toả thành tán lá xanh tươi khiến cho rừng rất sạch, mát và dễ di chuyển.
Trong rừng cũng có chòi, có đu cho du khách chụp ảnh, có dịch vụ cho thuê quần áo dân tộc, đặc biệt là có quần áo cổ trang giống phim kiếm hiệp. Có lẽ vì bộ phim “Ngoạ hổ, tàng long” có những cảnh các cao thủ bay lượn như chim kịch chiến trên rừng tre trúc, mà tán, cành thấy hệt như rừng vầu này. Các cô gái vào đây rất thích những trang phục cổ trang như thế.
Từng vầu Mồ Dề không phải tự nhiên. Trong bữa trưa được dọn dưới tán vầu, hai bạn trẻ Mùa A Sinh (sinh 2003) và Giàng Hạnh Phúc (1995), những người hiện đang trong coi rừng vầu kể rằng khoảng năm sáu chục năm trước cụ của họ là cụ Mùa Nủ Chù trồng một số khóm vầu ở góc một ngọn đồi. Vầu ưa đất ưa nước thế nào đó mà lan dần thành rừng phủ kín 3 quả đồi diện tích 2 héc ta như hiện nay.
Bữa trưa rừng vầu thật độc đáo. Có cá nướng mềm thơm, có gà đen chân nhiều ngón, có cải mèo luộc đắng mà để dư vị thật ngọt, có xôi nếp nương thơm dẻo. Hay nhất là trong chốc lát, các bạn trẻ đã phạt cây vầu non chế ra nào là những cái ống đựng rượu phần đuôi vạt nhọn để cắm xuống đất cho khỏi đổ, mười mấy cái “chén” uống rượu cũng bằng ống vầu non, có loại đít nhọn để cắm xuống đất. Và một cái điếu cày. Cả rượu, cả thuốc lào qua loại vầu non đó đều có hương vị đặc biệt mà chưa ai trong chúng tôi được thưởng thức.
Nhân nói đến chuyện ăn, phải kể rằng ẩm thực Mù Cang Chải đủ độc đáo để du khách coi như là mục tiêu trải nghiệm.
Hơn 90% dân số Mù Cang Chải là người Mông nên chủ yếu rượu và món ăn bản địa mang sắc thái Mông. Đương nhiên là với giao lưu văn hoá thời nay thì đã có nhiều món của các dân tộc khác xen vào.
Vào đất Mù Cang Chải, đến Tú Lệ thôi đã ngất ngây với những món nếp vị ngon không đâu có do giống nếp đặc sản chỉ có ở đất này. Xôi và cốm Tú Lệ qua rồi dễ mấy ai quên. Đi lên phía trên, thì nào những thịt quay, thịt nướng (lợn trên vùng này rất ngon), cá suối, măng rừng, cải mèo, bí ngô nếp. Mấy lần lên Mù Cang Chải, chúng tôi rất ấn tượng với món nhộng ong đất chiên và thịt trâu khô. Cánh đệ tử Lưu Linh thì say sưa với rượu ngô, rượu thóc, rượu men lá. Ngâm táo Mèo Mù Cang Chải thì cũng là độc rồi nhưng búa bổ hơn nữa là rượu ngâm sâm Tiết Trúc (thấy bảo tốt ít nhất cũng ngang sâm Ngọc Linh) hay Lan Kim Tuyến (còn gọi là cỏ nhung), một thứ thảo dược mà thấy bảo cánh Đài Loan sang lùng mua hai triệu rưỡi đồng một cân tươi.
(Xem kỳ tiếp trên Tiền Phong số 265, ra thứ hai, ngày 21/9/2020)