> 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Sinh mệnh ngòi bút
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban kiêm Thư ký tòa soạn của Tiền Phong Chủ nhật, ấn bản khổ nhỏ ghi dấu ấn một thời. Trước đó, là phóng viên Tiền Phong, ông đã đặt chân đến nhiều vùng của đất nước trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, tất cả đã ghi dấu ấn sâu đậm trong thơ ông.
Hồi ấy phương tiện đi lại còn khó khăn, hai tiếng Hòa Bình- tỉnh Mường theo cách gọi của người Pháp - gợi những suy tưởng về một vùng đất xa xôi, trắc trở, mặc dù chỉ cách Tháp Rùa đúng... 76 ki-lô-mét, chưa đủ một tiếng đồng hồ cho các tay lái "xế hộp" bây giờ thi triển! Tôi còn nhớ cảm giác ngao ngán khi chuyến ô tô đông chật bò đến được bến xe thị xã, giữa một buổi chiều mưa như trút nước. Vậy mà chỉ gần ba năm sau, tôi đã biết yêu biết nhớ mảnh đất này và gửi tình cảm vào những vần thơ đầu:
…Tôi đi từ cuộc sống Thủ đô/Đến nơi đây cửa ngõ vào Tây Bắc/Núi và núi, nhiều hơn nhà gác/Thị xã trải dài như không có bề ngang/Quán chợ Phương Lâm năm bảy cửa hàng/Sang phố Đúng con đò đương đợi khách…(Đi trong đêm Thị xã, 1973).
Từ năm 1976, tôi về công tác tại báo Tiền Phong, cũng là khi tỉnh Hòa Bình không còn nữa, mà nằm trong tỉnh mới có cái tên ghép nghe hơi kì kì: Hà Sơn Bình (Hà Đông- Sơn Tây- Hòa Bình)! Tất nhiên, thị xã Hòa Bình và các huyện của tỉnh cũ thì vẫn còn nguyên. Lâu lâu, tôi có dịp đi công tác vùng cao, gặp lại cảnh cũ, nhớ lại một thời chưa xa mà nhiều bâng khuâng:
Phố trổ thêm nhánh ngang, núi khuất sau nhà gác/Khách sạn Phương Lâm đã lắp máy điều hòa/Xanh đỏ quán karaoké ồn ào âm nhạc/Còn ai lắng trong khuya tiếng sóng sông Đà/Cuộc sống khấm khá hơn, muộn màng nhưng có thật/Tôi vui cái vui nay sao vẫn chạnh buồn?/Nơi tuổi trẻ của đời tôi đi mất/Trong xanh xao gió rét mưa phùn...(Trở lại Hòa Bình).
Cũng trong chuyến đi ấy, tôi có dịp qua huyện lị mới Tu Lí, dời từ Chợ Bờ, nay đã ngập nước, về đây: Tiếng Mường hay tiếng Nùng?/Nghe vui tai: Tu Lí!/Cái bản vằng lòng thung/Đã trở thành huyện lị./Trong veo làn không khí/Hương hồ hay hương rùng?/Những vui buồn đô thị/Thoắt xa vời sau lưng…(Đợi mắt nhìn mới nở).
Tất nhiên, về làm báo chuyên nghiệp, tôi đâu có thể chỉ luẩn quẩn tại một tỉnh, một vùng mà bước chân phải mở rộng tới mọi miền Tổ quốc.
Tết năm 1979, vừa "mãn hạn" thường trú ở phía Nam ra, chưa xa bao lâu những Lò Gò, Xa Mát, Lộc Ninh, Ba Chúc...- nơi ghi dấu những tội ác của tập đoàn Pôn-pốt, thì đã "chạm" ngay cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tôi lại khoác ba lô, chen chúc lên tàu tìm đến Phố Lu, huyện lị huyện Bảo Thắng, điểm tiến sâu nhất vào nước ta của giặc phương Bắc. Ấn tượng về "chuyến tầu năm ấy" còn hằn mãi trong kí ức tôi.
Nhận quyết định đi thường trú tại một trong các tỉnh biên giới, thú thật là tôi cũng có bối rối! Còn nhớ, tôi đã sang tâm sự với nhà văn- nhà báo Phong Thu, một người đàn anh về tuổi đời và tuổi nghề. Anh Phong Thu khuyên những gì, tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ lòng mình lúc ấy nặng trĩu...
Rồi tôi cũng khoác ba-lô lên đường, trực chỉ tỉnh Hoàng Liên Sơn (gồm tỉnh Yên Bái và Lào Cai cũ, tỉnh lị đóng ở thị xã Yên Bái). Hồi ấy anh trai tôi là kĩ sư đường sắt đoạn Hà Lào, thường trú tại Yên Bái. Tôi tìm đến chỗ anh tôi, nghỉ tạm vài ngày, tranh thủ dự mấy Hội nghị đánh giặc cứu nước với sự có mặt của các nhân chứng vừa từ mặt trận tụ về. Chính những ấn tượng về cuộc sống thị xã những ngày này đã giúp tôi viết nên những vần thơ:
Tôi nhắm mắt và mường tượng:/Một dòng sông/Một con đường/Đôi ray bạc tiếng còi tàu vọng mãi.../Thế là đủ trong tôi/Yên Bái!/Thị xã như sống vì phía sau.../...?Yên Bái hôm nay tôi trở lại/Thị xã như sống vì phía sau/Như sống vì phía trước!/Những người lính chờ lên ngược/Màu áo làm rừng xanh sân ga/Sông Hồng vắng nhịp cầu qua/Ngọn đèn thức khuya hơn phòng thiết kế/Thái Niên, Bảo Hà, Trái Hút, Mậu A.../Rầm rập những chuyến tàu không nghỉ...?(Yên Bái).
Rồi cũng đến lúc phải lên đường! Yên Bái là Hoàng Liên Sơn nhưng không phải là biên giới! Tôi lại khoác ba lô, chen chúc lên tàu tìm đến Phố Lu, huyện lị huyện Bảo Thắng, điểm tiến sâu nhất vào nước ta của giặc phương Bắc. Ấn tượng về "chuyến tầu năm ấy" còn hằn mãi trong kí ức tôi:
Tôi không sao quên được chuyến tàu năm ấy/ Năm Bảy Mươi Chín, tháng Ba giặc phương Bắc rút rồi/ Nhưng cầu Mi, cầu Làng Giàng đều sập gẫy/Những chuyến tàu mới đến Phố Lu thôi/Chuyến tàu đông, chuyện ấy đã quen rồi/Cả nỗi sốt ruột dọc đường cũng không ai nhớ nữa/ Điều tôi không quên là gương mặt họ/Những người trở về vùng giặc mới rút đi…/Những nét đăm chiêu trên gương mặt lầm lì/Nỗi phấp phỏng về cửa nhà, vườn tược/ Họ- tất cả, đã một đời khó nhọc/ Cặm cụi, lam làm giờ bỗng hóa tay không...!?(Chuyến tàu năm ấy).
“Tàu đã dừng giữa khoảnh ruộng trống trơ/ Phố Lu cháy hoang tàn trước mặt" - Đấy là những dòng thơ ghi lại chính xác những gì tôi nhìn thấy khi xuống tàu. Những người bạn cùng chuyến với tôi giờ đang mải miết khoác tay nải, xăm xăm đi tiếp…
Tôi đương khoác ba lô, ngơ ngác đứng bên đường tàu thì nghe tiếng dô ta vui vẻ và ngang tàng vang lên cách chỗ tôi đứng không xa. Đấy là một đội công nhân kích kéo đương làm nhiệm vụ dựng lại cây cầu qua sông Hồng, chỉ vài ngày sau khi giặc phương Bắc rút đi. Họ và những người lính có lẽ là những người đầu tiên có mặt ở vùng biên giới này?
Tôi mạnh dạn tìm đến một người chừng gần bốn mươi tuổi, gương mặt khắc khổ mà hiền hậu, đưa trình thẻ Nhà báo. Những năm ấy, tấm thẻ này chưa tạo ra sự nghi ngờ nào mà chỉ tạo ra sự thông cảm, tin tưởng. Anh Phan (tên người đàn ông) vui vẻ mời tôi cùng nghỉ lại với đội cầu 504 do anh phụ trách.
Những người thợ cầu cũng đều rất thân thiện với vị khách lạ hoắc lạ huơ rơi từ trên tàu xuống! Đến bữa cơm chiều, họ rửa chân tay rồi mời tôi cùng vào bữa ăn. Một bữa cơm thường đúng nghĩa, với những xoong cơm ngô vàng ruộm và món ăn hình như là muối vừng, với những gì gì nữa khá đạm bạc mà tôi cũng quên rồi.
Chỉ nhớ anh Phan nửa kín nửa hở, vẻ hãnh diện, kể rằng anh cũng chỉ ở với đội một thời gian nữa thôi, vì tên anh đã có trong danh sách sang giúp nước bạn Cam-pu-chia rồi! Những bạn thợ của anh Phan cũng đều còn rất trẻ nhưng không thiếu từng trải, câu chuyện trong bữa cơm họ thường nhắc đến những tên cầu Cấm, cầu Hàm Rồng... ác liệt thời chống Mỹ...?
Khi về tòa soạn, cùng với một bài phóng sự, tôi có làm một bài thơ giản dị đề "tặng các bạn thợ đội cầu 504": "Sông Hồng chảy xuôi, đoàn ta lên ngược/ Tà vẹt đường tàu đếm chân ta bước/ Giặc rút chạy rồi, dân chửa kịp lên/ Thợ cầu với lính ta vào trước tiên.../Nhịp "dô ta" nhẫn nại và gan góc/Những tay súng mới hôm nào trên chốt/ Nay quay tời bắp nổi vồng căng/ Mồ hôi ướt đầm ngóng cơn gió mặt sông/ Đành lỡ hẹn với em ngày chủ nhật/ Nghỉ phép, nghỉ bù, thôi, "gác" tất/ Kĩ sư bám hiện trường thức trọn ca ba/ Râu xanh rì gò má nhọn ra!/Dưới bóng cọ xanh, bữa cơm ngô vui vẻ/ Câu chuyện trở về những ngày đánh Mỹ/ Cầu Cấm, Hàm Rồng...?nghe đã xa xôi/ Mà lứa chúng mình chưa ai quá ba mươi!(Thợ cầu biên giới-Phố Lu, tháng 3/1979).
Hai câu cuối của khổ thơ này (Cầu Cấm, Hàm Rồng...) tôi nhớ khi gửi tập thơ định in ở NXB Hội Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú đánh dấu một số 0 trên một gạch đít, ý là khen lắm! Cũng vùng đất Hoàng Liên Sơn, tôi còn nhớ chuyến đi cùng các nhà báo Trần Quang (mới mất), Hoàng Thiết, Bích Hậu... về vùng chè Nghĩa Lộ. Nhớ lời khen của ông chủ Liên hiệp chè dành cho "thành viên trẻ nhất trong đoàn" mà sướng tỉnh cả người! Nhưng nhớ nhất là một "Tiếng còi tầm" đã vang lên trong thơ tôi: Không phải sắc lúa nương, không phải tiếng suối đàn/ Hay ngọn khói giữa lòng thung ngơ ngác/ Điều hấp dẫn anh hôm nay giữa núi rừng Tây Bắc/ Là tiếng còi tầm nhà máy tan ca/Một tiếng còi vang giữa bao la/ Qua rừng mỡ con gà lôi ngơ ngác/ Vào bản nhỏ, lợn đòi ăn rít giục/ Bầy em gọi nhau tíu tít đến trường...?/Tiếng còi xanh màu áo công nhân/Ngân nga mãi trong anh như tiếng hát/ Nhắc anh nhớ một trưa rừng Tây Bắc/ Em-cô gái Tày từ nhà máy bước ra”…
Từ "thành viên trẻ nhất trong đoàn" năm nảo năm nào, nay tôi đã nghỉ hưu gần năm năm! Thời gian trôi nhanh quá! Thỉnh thoảng nhớ lại những chuyến đi, vô số những chuyến đi của đời làm báo chuyên nghiệp ở Tiền Phong, vất vả nhưng kì thú, tôi lại thấy những vùng đất biên giới phía Bắc, Tây Bắc - gắn bó với mình như một duyên phận.?
Từ "thành viên trẻ nhất trong đoàn" năm nảo năm nào, nay tôi đã nghỉ hưu gần năm năm! Thời gian trôi nhanh quá! Thỉnh thoảng nhớ lại những chuyến đi, vô số những chuyến đi của đời làm báo chuyên nghiệp ở Tiền Phong, vất vả nhưng kì thú, tôi lại thấy những vùng đất biên giới phía Bắc, Tây Bắc - gắn bó với mình như một duyên phận.
Nhà thơ Nguyễn hoàng sơn