> Sai sót trong vụ bồi thường một tỷ đồng/m2
Tiền Phong. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nếu đi đêm - doanh nghiệp tự chịu
Cái khó trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thường có nhiều điểm chung giữa Hà Nội và các địa phương. Nhưng câu chuyện yêu cầu đền bù một m2 lên đến một tỷ đồng tại Hà Nội thì quả là cú “sốc” với dư luận cả nước? Ông nhìn nhận ra sao về sự khác biệt này?
Hà Nội là vị trí số 1, cả nước chỉ có một thủ đô, nhu cầu đất đai, nhà ở cũng khác các tỉnh khác. Giá chuyển nhượng đất ở Thủ đô bao giờ cũng cao hơn so với các tỉnh nên vấn đề hiện nay là thành phố đã áp dụng tối đa theo quy định của luật như khung giá của Chính phủ cho phép. Thành phố vẫn chủ trương đền bù sát giá thị trường.
Điều đáng nói là hiện nay chưa có cơ quan, đơn vị pháp nhân nào khẳng định giá thị trường là bao nhiêu. Nên người dân suy nghĩ đơn giản, bên cạnh nhà tôi có người chuyển nhượng 100 triệu đồng/m2 mà sao nhà tôi chỉ được 60, 70 triệu. Nhưng người ta đâu có hiểu là ở vị trí đó nó có lợi ích thương mại. Thụt vào trong một chút là khác ngay, mà không phải thời điểm nào giá cũng như thế.
Hơn nữa thủ đô Hà Nội có mặt bằng dân trí cao hơn các tỉnh nhưng cũng có sự phân tầng: nội thị phát triển mạnh, ngoại thị phát triển chậm, không phải ai cũng hiểu và giỏi pháp luật.
Về câu chuyện yêu cầu đền bù 1 tỷ đồng một m2, theo tôi là thiếu cơ sở pháp lý. Khi nhà đầu tư GPMB thì chỉ còn một vài hộ, họ muốn nhanh lên. Gia đình kia vì lợi thế làm ăn, nơi ở họ cũng phóng lên. Khi đó hai bên gặp nhau. Việc này ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
Vì thiếu căn cứ pháp lý nên phải chăng việc GPMB vẫn đình trệ và thành phố đã cho thanh tra dự án này?
Khi thanh tra, chúng tôi quay trở về đúng mặt bằng giá theo căn cứ pháp lý của nhà nước. Cụ thể doanh nghiệp phải áp dụng đúng giá, còn việc thỏa thuận với dân thì doanh nghiệp và dân phải chịu trách nhiệm dân sự, Nhà nước không chỉ đạo thỏa thuận như thế.
Vậy quan điểm xử lý vụ việc này ra sao để vừa đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho dự án mà lại không gây khó cho các dự án sau này?
Thực tế, thành phố có khung giá cố định ban hành hằng năm. Nhưng với những khu vực nhạy cảm thì sẵn sàng điều chỉnh. Nhưng tôi nói rằng, Thành phố không chấp nhận các thỏa thuận ngầm giữa các hộ dân mà không có căn cứ pháp lý. Ở đây phải thấy rõ có 2 loại thỏa thuận. Một là, trong Luật Đất đai cho phép thỏa thuận, khi đó hai bên chịu trách nhiệm dân sự.
Hai là, Nhà nước đền bù thì quyết định theo khung giá. Nhà nước không chỉ đạo ai đẩy cao mức giá, nếu có vấn đề cá nhân, tổ chức đẩy giá phải chịu trách nhiệm. Thành phố không khuyến khích việc đó. Ở Hà Nội từ khi tôi phụ trách lĩnh vực này tới giờ mới chỉ có một trường hợp như thế.
Năm năm tới là quãng thời gian mà Hà Nội phải bứt phá, điều đó cũng đòi hỏi công tác GPMB phải vượt qua nhiều khó khăn. Vậy Thành phố sẽ có hướng tháo gỡ vấn đề này ra sao?
Năm 2011 cả thành phố đang có 1.000 dự án với khối lượng thu hồi đất trên 10.000 ha và cần phải bố trí tái định cư cho khoảng gần 17.000 hộ dân. Với yêu cầu đặt ra cho sự phát triển thủ đô, tôi cho rằng, 5 năm tới thành phố phải tiến hành GPMB hàng ngàn dự án với diện tích hàng chục ngàn hécta.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này, quan điểm chỉ đạo chung là phải thúc đẩy tiến độ GPMB trên nguyên tắc hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân bị thu hồi đất và lợi ích chủ đầu tư. Tôi nghĩ nếu giải quyết tốt các lợi ích này chắc chắn công tác GPMB của Hà Nội sẽ có bước tiến.
Ví như, Thành phố đang tập trung xây dựng nhanh khu tái định cư, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đô thị bị thu hồi đất, không thể chấp nhận các khu tái định cư điều kiện thấp như mấy năm trước đây. Về mặt hạ tầng cũng phải quan tâm như trường học, bệnh viện, các vấn đề xã hội của người dân. Hiện tại việc bố trí nguồn lực đang là vấn đề cốt lõi và khó khăn nhất.
Với cả ngàn dự án thực hiện GPMB, thành phố có chủ trương xếp thứ tự ưu tiên để tránh dàn trải hoặc tình trạng “dễ làm, khó bỏ” dẫn đến nhiều dự án, công trình dở dang không, thưa ông?
Trong số hàng ngàn dự án mình phải phân loại ra những dự án nào cần tập trung nguồn lực làm trước, những dự án nào làm sau. Trong đó ưu tiên số một là dành cho các dự án cấp bách như phát triển hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội hay những dự án dân sinh bức xúc, các dự án nhà ở cho người nghèo, sinh viên, dự án phục vụ lợi ích công cộng…
Sẽ thu hồi hàng chục dự án sai phạm
Trong lúc công tác GPMB gặp vô vàn khó khăn thì nhiều dự án sau khi có mặt bằng lại bỏ hoang, hoặc chây ỳ trong thi công nhiều năm gây bức xúc dư luận, ông nghĩ sao?
Đây là một thực tế khá nhức nhối thời gian qua tại Hà Nội. Thành phố đã tiến hành rà soát lại các dự án trên địa bàn và phát hiện gần 300 dự án chậm tiến độ. Tùy theo mức độ vi phạm, do nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà Thành phố đưa ra các mức xử lý khác nhau.
"Vốn dĩ công việc GPMB rất khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm trước pháp luật, thế nên khi giải quyết vấn đề cán bộ phải xác định làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Quan trọng là cán bộ phải thấm luật, tôi nói thấm luật phải cao hơn cả thuộc luật.
Tức là cán bộ phải biến luật pháp thành kiến thức hằng ngày. Căn cứ pháp lý đúng tôi sẽ ký ngay, còn không đúng thì tôi sẽ mời cán bộ, chuyên viên tới để trao đổi” - ông Vũ Hồng Khanh.
Từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố có khoảng 40 dự án với diện tích hàng trăm ngàn m2 đất bị đề nghị thu hồi. Nhiều dự án trong số đó đã bị thu hồi. Năm nay, Thành phố tiếp tục cho rà soát và thanh tra để theo dõi cặn kẽ, xử lý kiên quyết đúng pháp luật trường hợp sai trái. Tất cả các dự án có vấn đề đều phải thanh tra.
Dư luận lo ngại Hà Nội có quá nhiều dự án Bất động sản (BĐS). Ông có cho rằng trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều dự án “bất động”, hơn thế một số chủ đầu tư không có năng lực nên sẽ chuyển đổi, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất sai mục đích?
Đường biểu diễn thị trường BĐS cũng như đồ thị hình sin, lúc lên, lúc xuống. Nhưng vừa rồi là do ảnh hưởng chung. Với Hà Nội tôi tin tình trạng này sẽ tồn tại không lâu, vì không phải dạng bong bóng. Tuy vậy, đây là lúc cạnh tranh quyết liệt.
Doanh nghiệp nào trường vốn sẽ phát triển, doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật sẽ bị đào thải. Nếu trong bối cảnh như vậy mà phát hiện ra các sai phạm như chuyển đổi, chuyển nhượng trái phép dự án hay sử dụng đất sai mục đích thì Thành phố sẽ thu hồi quyền sử dụng đất. Vi phạm Luật Đất đai thì đương nhiên phải xử lý rồi.
Thực tế, để thu hồi dự án vi phạm không hề dễ. Trước đây Thành phố có chỉ thị về thu hồi đất của các đơn vị vi phạm song kết quả không cao, vì nhiều lý do tế nhị. Lần này Hà Nội quyết tâm thu hồi, ông có cảm thấy bị áp lực hay trở ngại, khó khăn?
Áp lực lớn nhất của tôi hiện nay là từ các cử tri về việc phải kiên quyết thu hồi dự án sai phạm. Điều này đòi hỏi mình phải cố gắng rất nhiều. Áp lực thứ hai, khi nói đến chuyện thu hồi đất là nói đến việc có người yêu, kẻ ghét rồi.
Thậm chí có người mình dứ một cái thôi- tức có thông báo thôi - họ đã kiện mình lên tận Trung ương rồi. Thậm chí họ kiện cho đến tận bây giờ luôn. Tuy vậy, dù áp lực thế nào thì thu hồi giấy phép các dự án có sai phạm là nhiệm vụ nên mình không thể không quyết tâm làm.
Cảm ơn ông.
Sáu tháng - 900 văn bản về GPMB
Về việc Thành phố đã ban hành 900 văn bản liên quan đến GPMB 6 tháng qua, ông Khanh cho biết, 900 văn bản được chia ra làm nhiều loại gồm: văn bản pháp quy hướng dẫn về mặt chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư. Loại này không nhiều, có tính chất ổn định.
Loại văn bản thứ 2 là loại xin ý kiến, hỏi cụ thể về chính sách đền bù. Cuối cùng là văn bản liên quan tiến độ GPMB, và cũng chiếm phần nhiều.
Phùng Sưởng