Một người Tiền Phong thầm lặng

TP - Trung tuần tháng 10 vừa rồi, đang có công chuyện trong Nam, tôi lặng người khi nhận được tin nhắn từ anh em ở nhà “chú Đỉnh mất rồi!”. Suốt đêm ấy, thao thức trong tôi bao hồi ức về người suốt gần 30 năm qua liên tục là người Tiền Phong cầm tờ báo Tiền Phong sớm nhất ở miền Trung…

Tháng 10 năm 1995 tôi về Ban đại diện báo Tiền Phong, lúc ấy còn ở địa chỉ 426 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) chung với cơ quan đại diện T.Ư Đoàn tại miền Trung, thì đã gặp anh Đỉnh.

Anh Lê Công Đỉnh lúc ấy ở tuổi gần 40 vừa chia tay chức Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở vùng cát huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, đưa vợ là cô giáo dạy Văn cùng trường quê Nghệ An, cùng các con về Đà Nẵng "bám trụ". Vợ vẫn theo nghề dạy học, còn chồng thì… khởi nghiệp với nghề phát hành báo chí, thời điểm ấy đang rất thịnh hành. Rồi anh trở thành người của Tiền Phong, chuyên phát hành các ấn phẩm của Tiền Phong, còn vợ anh vừa dạy học vừa chung tay cùng chồng, trở thành một trong những đại lý phát hành báo chí lớn nhất tại miền Trung.

Hai cuốn sách đã in của anh Lê Công Đỉnh (Ảnh: Trần Tuấn)

Ngày 1/6/1996, báo Tiền Phong in số báo đầu tiên nối bản tại Nhà in Nhân dân Đà Nẵng, anh trở thành người chuyên trách từ khâu nhà in đến việc phát hành, còn kỹ sư tin học Võ Duy Minh phụ trách mảng kỹ thuật. Thời mà mạng internet chưa có trong trí tưởng tượng tại Việt Nam, công nghệ in báo còn phải sắp chữ chì để in typo. Rồi lần lượt đến in nhũ, in phim. Để nhận bản nhũ và phim từ tòa soạn, anh em chúng tôi ngày nào cũng phải túc trực ở sân bay để đón nhận những "ống nhựa" từ một hành khách bay từ Hà Nội vào nhận chuyển giùm (Giai đoạn sau hợp đồng với Quân bưu chuyển trực tiếp về Ban đại diện). Mang về văn phòng đặt lên bàn kính chiếu đèn kiểm tra lại morat, dùng bút kim chấm sửa những chỗ sót chữ, sót tên tác giả, cắt bỏ những dòng thừa, sau đó mang sang nhà in... Sau này đến giai đoạn thuê đường truyền trực tiếp, trước khi có internet như hiện nay.

Anh Lê Công Đỉnh (bìa phải) thay mặt báo Tiền Phong tại miền Trung trao hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại do bão Sangxane - Đà Nẵng năm 2006 (Ảnh: Nguyễn Huy)

Công việc vừa vất vả, vừa tỉ mỉ, kíp trực luân phiên mấy người là anh Thanh Tùng (Trưởng đại diện), tôi, anh Đỉnh và Duy Minh, thỉnh thoảng huy động cả Khánh Hồng, Ngọc Loan, vào những mùa in bản tin nhanh World Cup, Euro... Biết bao đêm hôm khuya khoắt như vậy, nhiều khi ngủ lại văn phòng để sáng sớm hôm sau có tờ báo mới còn nóng hổi trên tay, làm sao quên. Riêng anh Đỉnh mỗi số báo phải chạy từ văn phòng tới nhà in ba bốn lượt, quá nửa đêm mới rời nhà in khi báo đã bình và làm kẽm xong xuôi, nhưng đến gần 3 giờ sáng lại có mặt ở nhà in kiểm đếm, phân chia báo cho các đầu mối, đại lý. Vậy là đến thời điểm đột ngột từ biệt cuộc đời sau thời gian ngắn lâm bệnh, đã 27 năm liên tục anh là người của Tiền Phong cầm trên tay tờ báo Tiền Phong sớm nhất ở miền Trung.

*

Sinh ra tại làng Xuyên Mộc, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, anh tốt nghiệp Sư phạm Văn tại ĐH Quy Nhơn những năm đầu sau 1975, rồi về miền cát nghèo Thăng Bình dạy học, lập gia đình với một cô giáo trẻ cùng trường. Rồi cuộc sống đưa đẩy, anh rời xa mái trường về Đà Nẵng làm một công việc không liên quan đến sách vở, giáo án.

Nhưng từ anh luôn toát lên tâm hồn thơ, chất nghệ sĩ đầy lãng đãng. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, từng đăng ở Tiền Phong và một số báo, tạp chí. Năm 2008, thấy đống bản thảo thơ của anh để ngổn ngang, viết tay, đánh máy chữ nhiều trang đã nhăn nheo, ố vàng, tôi bèn “xúi” anh đưa tôi tuyển chọn để in tập. Thế rồi năm ấy tập thơ "Mộng du buồn" ra đời, nhà thơ Nguyễn Trung Bình khi ấy còn sống đang làm ở NXB Lao động nhận làm “bà đỡ”. Tập thơ trình bày sang trọng với bìa của người bạn thân thiết là họa sĩ Phan Ngọc Minh, cùng phụ bản của các họa sĩ Đinh Cường, Lương Xuân Đoàn, Hoàng Tường, Duy Ninh.

Như nhạc sĩ Phan Văn Minh (tác giả ca khúc thiếu nhi Cả nhà thương nhau) người bạn chí cốt từ thời dạy học ở làng cát Thăng Bình đã viết lời giới thiệu: “Lê Công Đỉnh không chọn thơ làm nghiệp và cũng không định làm thơ để mời gọi những cảm thức đồng điệu về hiện thực đang sống. Anh làm thơ từ nguồn kí ức của mình như là một cách để cất giữ nỗi buồn, những nỗi buồn của ngày xưa, thuộc về thuở ấy mà anh xem như những cơn mộng du. Rồi khi nhìn lại, cái Thuở Ấy trở nên bàng bạc như trăng sương, lãng đãng như hư ảnh từ một giấc chiêm bao…”. Còn tôi thì nhận ra chất hiện thực rõ nhất trong thơ Lê Công Đỉnh chính là gương mặt thân quen của bạn bè. "Ta đi tìm ta rồi gặp bạn. Bạn nhìn bóng bạn lại thấy ta” như lời đề từ đầu tập thơ.

Gia đình, bạn bè tiễn anh về với sông Hàn sáng 2/12/2023 (Ảnh Nguyễn Thành)

Anh Lê Công Đỉnh tại một sự kiện Chủ nhật Đỏ của Tiền Phong (Ảnh: Giang Thanh)

Bởi tôi chứng kiến trong biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, những người bạn của anh đều đọc thuộc lòng những bài thơ của anh, cả những bài rất dài. Thơ chất chứa men say, đồng cảm và truyền cảm đến thế nào thì mới có thể thuộc được như vậy, mỗi lần gặp nhau là đọc mà không cần mở sách.

Công việc vất vả nhất, lương thấp nhất, nhưng anh Lê Công Đỉnh không nề hà tham gia gánh vác thêm mọi công việc khác của Ban, từ cứu trợ thiên tai bão lụt, công tác xã hội, Chủ nhật Đỏ, các cuộc thi hoa hậu, việt dã,... Các thế hệ báo Tiền Phong ở miền Trung luôn xem anh là người anh cả thân thương, là điểm tựa chia sẻ mọi niềm vui, từng nỗi buồn...

Những câu thơ đầy vương vấn "Lòng như con sông rộng/Ta ngàn bến chờ mong/ Em hoài theo tiếng gió/Ta hoài như bến sông” (Về thăm Hội An). Những câu thơ mang thể hành kiêu bạc "Có một thuở ta gánh sầu lên núi.../Ta gánh ta đi-phiêu diêu ghềnh thác/Ta gánh ta đi-trôi nổi bọt bèo/Ta gánh ta đi-gió mưa cùng tận..." (Mộng du buồn). Lại có những câu thơ đẹp một cách kinh ngạc “Gần nhau dù chỉ phút giây/Hôn đi trăng đã vàng đầy môi ngoan” (Trăng vàng).

Năm 2019, tôi và bạn bè động viên, anh xuất bản tập truyện ngắn "Bao giờ Hạ đi", tên tựa sách cũng là một truyện ngắn đã đăng báo Tiền Phong. Cũng toàn những hồi ức, ký ức. Trong lời đầu sách tôi viết "…Nhưng dù thế nào, ký ức cũng không siêu thực, như bậc thầy của nó - thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire từng thốt lên: “Ký ức là những chiếc sừng đi săn mà âm thanh vang lên biến mất vào trong gió”. Ngọn gió bí ẩn ấy vẫn thổi mãi, như một thứ “hương thời gian mùi thạch thảo” trên mặt sông cõi người. Không phải dòng Seine trôi dưới cây cầu Mirabeau. Mà như lời tác giả, là “dòng sông đã đưa tôi rời quê mình biền biệt mấy chục năm trời. Không biết trên thế giới này có mấy ai giống tôi trong chuyến đi kỳ lạ này không?”. Đó là một chiều súng nổ vang trời hướng về làng quê. Người cha chỉ kịp mua một chiếc đò gỗ. “Năm lên 8 tuổi, mặc chỉ độc chiếc quần đùi, tôi bỏ quê đi như thế...” (Chuyện kể về một dòng sông).

Và một dòng sông nữa, là dòng sông Hàn bên cạnh nhà anh buổi sáng cách đây mấy hôm, trên con thuyền gỗ nhỏ, gia đình vợ con, bạn bè ngồi hát và đọc thơ của anh, và rải tro bụi của anh xuống làn nước xanh đang xuôi ra cửa biển. “Đứa trẻ” ấy lại vừa bắt đầu một chuyến thật xa không bao giờ trở lại. Như những câu trong bài thơ cuối cùng “Vĩnh biệt cơn mơ hồng”. “Rồi cũng như mây trở về trời/…Tiếng sóng xưa cười vang phố biển/Nay em xa sóng vỗ ngậm ngùi”.