Mong muốn giản dị của họa sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên

TPO - Dẫu biết rằng theo đuổi nghệ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họa sĩ Bình Minh đã dành cả cuộc đời miệt mài theo đuổi đam mê của mình.

Gần đây, thông tin/hình ảnh về người họa sĩ già bán tranh trên cầu Long Biên được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người đã tìm đến tận nơi để ủng hộ cho những bức tranh của ông. Những người mua tranh cho biết: “bức tranh của ông rất đẹp nhưng chỉ bán với giá 150.000 đến 500.000 1 bức, quá rẻ so với giá tại phòng tranh”.

Anh Phan Hữu lập – người đã đăng tải hình ảnh, câu chuyện của vị họa sĩ trên mạng xã hội chia sẻ: “Mình cảm thấy bất ngờ và rất vui vì bài viết của mình lại được đông đảo mọi người quan tâm, cá nhân mình rất đồng cảm với cái khổ của người làm nghệ thuật, không đơn giản và rất khó khăn nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 này. Mình làm nghề cũng liên quan đến vẽ, cũng bị ảnh hưởng rất lớn, khách của mình gần như là không có, nhưng cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn, nên mình cũng không ngại chia sẻ ngay hoàn cảnh của bác cho bạn bè và cộng đồng mạng giúp đỡ.

Các bức tranh của họa sĩ Bình Minh được nhờ bày bán tại nhà của người dân. Ảnh: Anh Hoa

Bạn Minh Thùy – người dùng mạng xã hội bình luận: “Những bức tranh của chú vẽ quá đẹp và ý nghĩa, tiền tranh vải, màu vẽ đã gần bằng giá bán, mình học mỹ thuật nên mình biết. Chưa kể đây là tác phẩm bằng chất xám và tài năng của chú”.

Mang “những đứa con tinh thần” lên cầu Long Biên rao bán

Họa sĩ Nguyễn Văn Minh (62 tuổi, Ngọc Lâm, Hà Nội) tên thật là Nguyễn Văn Bình, nghệ danh là Bình Minh từ khi mới vào nghề. Ông cho biết bản thân đam mê vẽ từ khi 10 tuổi, tính tới thời điểm hiện tại ông vẽ khoảng hơn 6000 bức, khoảng 100 biểu tượng, trong đó có biểu tượng của Hà Nội, biểu tượng của trường đại học ông từng theo học. Ông được vào hội nghệ sĩ tạo hình từ thời còn chưa vào đại học.

Họa sĩ Bình Minh cho rằng "công việc không có đam mê thì không thể làm tốt được". Ảnh: Anh Hoa

Họa sĩ Bình Minh chia sẻ, trước kia ông cố gắng thì cũng kiếm được chút thu nhập bằng nghề để theo đuổi đam mê vẽ, nhưng hiện nay do tình hình dịch bệnh, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, công việc của ông cũng không ngoại lệ. Do không bán được tranh, không có thu nhập để duy trì cuộc sống nên ông đã nảy ra ý tưởng mang tranh lên cầu Long Biên rao bán.

“Ngày đầu tiên tôi bán được 2 bức tranh, ngày thứ hai 3 bức, những ngày kế tiếp nhiều hơn nữa đến khi không đủ tranh để mà bán, không ngờ vượt ngoài sự mong đợi của tôi” – ông phấn khởi cho biết.

Các bức tranh của ông với nhiều chủ đề đa dạng, chủ yếu là đề tài về quê hương, con người Việt Nam, ông muốn đem tất cả những cảm nhận của mình về nét đẹp bản sắc của dân tộc để thể hiện vào mỗi bức tranh.

Ông vẽ tranh trên cầu Long Biên. Ảnh: Anh Hoa

Những người theo nghệ thuật thường gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dù khó khăn, ông cũng không bỏ nghề, với ông, làm công việc mà mình không đam mê thì sẽ không bao giờ có thể làm tốt được, chỉ làm để sống qua ngày thì không có ý nghĩa.

“Bây giờ cuộc sống vật chất đầy đủ hơn ngày xưa nên mọi người có điều kiện để hưởng thụ, quan tâm đến nghệ thuật, tranh của tôi được nhiều người quan tâm hơn, đây cũng là cơ hội để tôi được chia sẻ”.

Từng bức tranh ông đều gửi gắm những tâm tư tình cảm, ông mong những bức tranh do ông sáng tác, không bị lặp lại, đôi khi có những vị khách yêu cầu ông vẽ tranh thêm một bức giống những bức ông đã vẽ, ông cho rằng điều đó còn khó hơn việc sáng tác, vì nghệ thuật không có ranh giới.

Theo ông, để thể hiện được những bức tranh cũng phải tùy cảm hứng, tâm trạng, phải có cảm xúc thì mới vẽ được tranh, có những ngày vẽ được 3,4 bức, nhưng cũng có khi vài tuần không vẽ được bức nào vì không có cảm hứng.

Từ bài đăng, những lượt chia sẻ đông đảo trên mạng xã hội đã làm nhiều người biết đến ông và quan tâm đến tranh của ông hơn, ông cho biết mình rất vui mừng và phấn khởi nhưng xen vào đó là nỗi lo sợ tranh của ông không đủ để đáp ứng nhu cầu của công chúng.

“Chỉ cần đam mê và nghị lực có thể gạt đi tất cả những khó khăn”

Vợ mất sớm, các con đều đã trưởng thành và lập gia đình, ông sống một mình tại xưởng vẽ nhỏ đầy bụi bặm và bất tiện trong sinh hoạt, ông nói tôi chỉ cần được sống và làm việc với đam mê, luôn phải tìm cách thích nghi dù trong mọi môi trường, hoàn cảnh nào miễn là được sáng tác hội họa, với ông chỉ như vậy là đủ, vì ông luôn hài lòng với hiện tại.

 Ông sống một mình tại xưởng vẽ nhỏ, đơn sơ, nơi ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Anh Hoa

Ông cho biết cùng khóa học mỹ thuật với ông có khoảng 150 người, nhưng để theo được nghề đến hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất nhiều họa sĩ vẫn đang chật vật với cuộc sống, một bên muốn theo đuổi đam mê, một bên vì cơm áo gạo tiền nên họ buộc phải lựa chọn những công việc khác đề kiếm sống.

“Thế nhưng, cuộc sống cứ cuốn họ trôi xuôi mãi, khiến giấc mơ sáng tác tranh ngày càng xa vời. Và rồi một ngày bất chợt ngoảnh lại, họ mới chấp nhận mình thua cuộc mưu sinh, đành tiếp tục thả trôi niềm đam mê, khát vọng đâu đó vẫn còn cháy bỏng trong lòng mình”. – ông nuối tiếc cho những người bạn bè của mình không theo được nghề.

Có thể thấy, chỉ một số rất ít họa sĩ đủ điều kiện vật chất cũng như tinh thần mới có thể “lì lợm” trụ lại với nghề, chỉ kiên tâm, bền chí với nghiệp vẽ mà mình đã chọn như ông. 

 Họa sĩ cho rằng: "Chỉ cần có niềm đam mê và nghị lực sẽ vượt qua mọi khó khăn". Ảnh: Anh Hoa

Niềm mong muốn của ông không phải là kiếm được nhiều tiền từ việc vẽ tranh, mà đơn giản chỉ là sự quan tâm của công chúng đối với tranh của ông, chỉ cần nhìn thấy sự thích thú của những người ngắm bức tranh do ông vẽ cũng khiến ông cảm thấy hạnh phúc.