Mig 17 không chiến thần sấm, con ma

TP - Không chỉ lạc hậu về vũ khí, phi công Việt Nam còn thiếu cả kinh nghiệm lâm chiến lẫn giờ bay. Phi công Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Bắc tối thiểu cũng phải 2.000 giờ bay, trên loại máy bay họ đang sử dụng, trong khi đó ông Lê Hải và không ít đồng đội chỉ trên dưới 100 giờ bay.
Sau trận không kích trở về.

“Khi bắn rơi chiếc F 105  Thunderchief (Thần sấm) đầu tiên vào năm 1967, tôi mới chỉ đạt trên 100 giờ bay Mig 17” - ông Hải chia sẻ.

Khi đó ông vừa trở về từ Trung Quốc cùng 16 phi công khác sau một năm bay liên tục với Mig 17 dưới sự hướng dẫn của giáo viên bay Việt Nam lẫn Trung Quốc. Theo giáo trình, các phi công chuyển loại như ông phải học trong 3 năm, nhưng chiến trường cấp bách, không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc nên phải gói gọn trong một năm.

“Trận đánh nào của Mig 17 với không quân Mỹ cũng ác liệt, cũng đổ máu. Phi công ta không nhiều, lớp hy sinh, lớp nhảy dù, không còn bao nhiêu, nên quân chủng rút các giáo viên trẻ, học viên trẻ lái Yak 18, An 2 trong nước cùng một số anh em học ở Liên Xô, Trung Quốc về cho đi học khóa Mig 17 đầu tiên. Sáng bay, chiều nghỉ, mai bay tiếp, suốt năm không nghỉ ngày nào. Ngày 22/12/1966, sáng làm lễ tốt nghiệp, tối 17 phi công Mig 17 đã lên máy bay IL 14 về nước, hạ cánh tại sân bay Gia Lâm” - ông Hải nhớ lại. 

Lúc này không quân Mỹ mở rộng đánh bom, không kích ra toàn miền Bắc, các thành phố lớn, tuyến đường giao thông trọng điểm, kho tàng, bến cảng bị đánh phá ác liệt. 17 phi công được ghép đội hình với các phi công có nhiều kinh nghiệm thực chiến theo đội hình biên đội từ 2 - 4 chiếc. Đội hình bốn chiếc Mig 17 rất phổ biến thời đó. Số 1 là chỉ huy biên đội, số 3 và 4 là phi công cũ. Phi công lần đầu ra trận như ông Hải được ghép bay vị trí số 2. Cũng chỉ có 5-7 giờ bay tập đội hình cơ động không chiến là ra trận ngay vì không còn thời gian, khi kẻ thù trước cổng. 

Máy bay Mig 17 của Trung đoàn Không quân 923 năm 1967.

Những lần tao ngộ chiến

Trận đánh đầu tiên của ông và đồng đội là các phi công Quỳ, Hải, Chao, Kỷ diễn ra khá bất ngờ. Hồi đó máy bay ném bom chiến thuật F 105 của không quân Mỹ thường bay rất thấp trên vùng trời miền Bắc, khoảng 200m để tránh radar phát hiện và lưới cao xạ của ta. Thông thường khi chúng cắt bom, vọt lên cao radar mới phát hiện, khi đó nổ súng bắn vuốt đuôi thì đã muộn, ít nhất thì thiệt hại cũng đã xảy ra.

Biên đội 4 chiếc Mig 17 cất cánh, vừa thu càng, chưa tập hợp được đội hình thì bất ngờ phát hiện biên đội khoảng 20 chiếc F 105 có tiêm kích F 4 Phantom (Con ma) hộ tống bay ào trên đầu, hướng về phía cầu Long Biên (Hà Nội), mục đích đánh sập cây cầu chiến lược của thủ đô. Bất ngờ tao ngộ chiến. Theo lệnh chỉ huy, các phi công tăng tốc, vọt lên nổ súng trước khi chúng kịp bổ nhào xuống cắt bom, dù biết trước bắn từ dưới lên rất khó trúng mục tiêu.

Cùng lúc, các ụ pháo cao xạ bắt đầu khai hỏa. Cả bầu trời vang rền tiếng súng. Bị đánh bất ngờ, đội hình F 105 và F 4 rối loạn, chúng hoảng hồn ném bom loạn xạ dọc sông Hồng, không trái bom nào trúng mục tiêu là cầu Long Biên. Lần đầu đánh địch ông Hải bắn gần hết cơ số đạn, không trúng máy bay nào nhưng ít nhất cũng góp phần đuổi địch ngay trên bầu trời thủ đô. Đây cũng là lần tao ngộ chiến hiếm hoi cả hai bên không bị thương vong. 

 Phi công Mig 17 Lê Hải năm 1967. Ảnh: tư liệu.

Nhưng lần tao ngộ chiến thứ hai ở phía Tây Hòa Bình thì không may mắn cho phi công Mỹ. “Khi đó biên đội bốn chiếc Mig 17 đang bay ở độ cao 3.000m thì phát hiện 20 chiếc F 105 bay ở độ cao 200m, xung quanh là núi non trùng điệp, khi tấn công rất dễ lao vào núi. Phi công được lệnh vứt thùng dầu phụ, tấn công địch. Vì bất ngờ nên chỉ mình phi công Lê Hải kịp ngắm và nổ súng. Ông bắn hết loạt đạn trong 5 giây, chỉ kịp nhìn mấy chục viên đạn pháo trùm lên lên chiếc F 105 rồi vội kéo vọt lên tránh va vào núi. 

Ngay đầu năm 1967, phi công Mig 17 Lê Hải đã hạ hai chiếc F 4 trong nhiệm vụ bảo vệ sân bay Gia Lâm và các cơ sở trọng yếu trên địa bàn thủ đô. Có những ngày không quân Mỹ mất tới 7 máy bay F 4 lẫn F 105 trên bầu trời miền Bắc nên Bộ tư lệnh không quân Mỹ cử viên đại tá Norman Gaddis là giáo sư, viện sĩ không quân, “chuyên gia diệt Mig” đích thân sang Việt Nam để tìm cách “khắc chế Mig 17, quét sạch bầu trời Bắc Việt”.

Đối phó với biên đội 24 chiếc F 4 và 6 chiếc F 105 do viên đại tá, thầy của các phi công Mỹ, dẫn đầu cũng chỉ là biên đội 4 chiếc Mig 17 lạc hậu về mọi mặt do các phi công Tịnh, Hải, Mai, Kỷ cầm lái. Trận đánh diễn ra vào ngày 12/5/1967 này, trừ Lê Hải, các phi công trong biên đội đều lập chiến công, bắn rơi 2 chiếc F 4 và một chiếc F 105. Chiếc F 4D của Norman Gaddis bị phi công Ngô Đức Mai bắn rơi. Norman Gaddis nhảy dù xuống đầu đường băng thì bị dân quân bắt sống.

Đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hải. Ảnh: T.Đ.

Sau đó hai ngày, không quân Mỹ lại tiếp tục tổ chức trận không chiến lớn nhằm “quét sạch bầu trời, tiêu diệt Mig” do viên đại tá, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Mỹ ở Thái Lan chỉ huy. Lực lượng Mỹ chủ yếu là máy bay tiêm kích F 4 nhưng bay theo đội hình F 105 để đánh lừa ta. Biên đội Mig 17 gồm Mẫn, Bôn, Hôn, Hải được lệnh đánh chặn. Phi công Võ Văn Mẫn bắn hạ được một chiếc F 4 sau đó cũng bị trúng đạn, hy sinh. Phi công Nguyễn Thế Hôn cũng hy sinh sau khi hạ một chiếc F 4. Biên đội bị phân tán, phi công tự mình tác chiến trong vòng vây của hàng chục chiếc F 4 và F 105. Phi công Hà Bôn may mắn thoát khỏi trận chiến, hạ cánh xuống sân bay an toàn.

Chiếc Mig 17 của phi công Lê Hải chỉ còn 700 lít dầu, tương đương 7 phút bay, đang bị vây chặt. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vừa phải bay vòng tránh tên lửa, đạn pháo của máy bay địch, vừa phải tìm cách thoát thân. Tình thế tưởng vô phương khi máy bay địch có tốc độ bay gấp hai lần Mig 17. “May sao có một khoảng trống xanh ngắt lộ ra từ đám mây phía dưới, tôi xác định thà chết vì đâm vào núi còn hơn để địch bắn hạ, nên cho máy bay lao xuống, hóa ra là sông Đà. Phi công Mỹ không dám bổ nhào theo vì quá nguy hiểm” - ông Lê Hải kể. Bẻ lái vọt lên tránh được cú va vào núi, ông bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Gia Lâm… 

Phi công Lê Hải (phải) và đồng đội năm 1967.

Phải thừa nhận dùng Mig 17 không chiến với không quân Mỹ là không cân sức và hết sức nguy hiểm mà chỉ người trong cuộc mới ý thức được. Có những trận đánh đến nay ông Lê Hải vẫn nhớ mãi, không hiểu sao lúc đó mình vẫn sống sót.       

Mig 17 tốc độ bay 800 – 900km/giờ, được trang bị một khẩu pháo 37 ly với 40 viên đạn, 2 khẩu 23 ly, 160 viên đạn. Nếu bắn liên tục, hết đạn trong 5 giây. Tầm bắn hiệu quả từ 300 – 400m cách mục tiêu.

F 4 là máy bay tiêm kích, tấn công, đánh chặn trên không, có tốc độ trên 2.000km/giờ, được trang bị 8 quả tên lửa, trong đó tên lửa nhiệt có tầm bắn 2km, tên lửa điều khiển tầm bắn 5km. Trên máy bay còn được trang bị súng minigun 20 ly với cơ số 2.000 viên đạn.

Trong chiến tranh, phi công Lê Hải xuất kích đánh địch gần 100 lần, tham gia không chiến hơn chục lần,  bắn hạ 6 chiếc, đủ cả F 4, F 8 và F 105 của cả không quân lẫn hải quân, trang bị mạnh và hiện đại gấp nhiều máy bay ông điều khiển. Ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1970. Năm 1982 ông được bổ nhiệm chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, là đại tá chỉ huy sư đoàn trẻ nhất Quân chủng. Ông về hưu năm 2002 khi là Phó Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không phía Nam.