Miền nắng gió ứng phó biến đổi khí hậu, Kỳ 2: Không thể phó mặc cho trời

TP - Thay vì ngửa mặt kêu trời, nhiều nông dân Tây Nguyên đã mạnh dạn ứng dụng khoa học vào sản xuất, triển khai các mô hình trồng trọt đa canh vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, vừa nâng cao giá trị cây trồng và tạo nguồn thu nhập bền vững.

Ông Khê bên vườn trồng cà phê ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm

Khi “gã lười” làm nông

Cuối tuần của tháng giao mùa, chúng tôi thăm vườn cà phê rộng 6,5 héc-ta của ông Nguyễn An Khê (SN 1967, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Khu vườn bằng phẳng có cả cà phê đỏ mọng trĩu quả lẫn vườn cây vừa trồng năm thứ 2 phủ nguyên màu mướt xanh. “Từng đấy diện tích nhưng chỉ cần 1 người vẫn tưới nước, bón phân đều cả vườn cây mà không bị tác động bởi thời tiết nắng mưa?”, ông Khê nói rồi vén nhành cà phê um tùm sang một bên, để lộ các ống dây dẫn nước được lắp đặt dưới gốc. Đó là hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel - quốc gia biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, được ví là “Thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.

Là con nhà nông nhưng có cái chữ nên ông Khê không chấp nhận lối canh tác truyền thống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. “Tôi gắn bó với cây cà phê từ nhỏ. Những buổi tan trường, tôi lại về phụ gia đình vạt cỏ, bón phân rồi lại oằn mình kéo ống dây tưới nước cho cây suốt đêm ngày mỗi khi mùa khô đến. Mệt đến bở hơi tai nhưng hiệu quả không cao”, ông Khê nhớ lại tuổi thơ bên cây cà phê và câu chuyện làm nông quá vất vả. Lớn lên, ông Khê theo học ngành nông nghiệp rồi trở thành cán bộ kỹ thuật cho một công ty cao su nhà nước. Được 10 năm, ông quyết định nghỉ việc về làm nông.

Ông Khê tự nhận mình là một “gã lười”, không thích cầm cuốc vạt cỏ hay kéo ống dây tưới cả 7-8 héc-ta cà phê như trước mà muốn biến mọi việc của nhà nông trở nên nhàn rỗi. Nỗi trăn trở đó đưa ông đến với mô hình tưới nước tiết kiệm vào năm 2011. Công nghệ này giúp ông Khê giải được bài toán làm cà phê không còn vất vả song triển khai thực tế lại phát sinh hạn chế. Tưới nước thôi chưa đủ, ông Khê bắt tay nghiên cứu, hoàn thiện quy trình tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó căn chỉnh được thời gian ra hoa, đậu quả theo ý muốn.

Theo ông Khê, tổng chi phí đầu tư cho mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua nước cho cây cà phê từ 50-60 triệu đồng/héc-ta; thời hạn sử dụng là 1 chu kỳ cây cà phê (20 năm). Việc tưới nước, bón phân theo mô hình trên giảm được 50% nhân công và khoảng 40% lượng nước tưới/héc-ta, tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Tạo “mái nhà” cho vườn cây

Vườn tiêu của ông Liền xanh tốt quanh năm

Cà phê, hồ tiêu là cây trồng chủ lực đem lại kinh tế đáng kể cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng mất mùa diễn ra khá phổ biến mà một trong những nguyên nhân chính do thời tiết thay đổi thất thường gây nên ngập lụt, khô hạn kéo dài, là tác nhân xuất hiện các loại bệnh trên cây trồng như bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu, bệnh vàng lá do thối rễ trên cây cà phê...Thực trạng trên đã đẩy nhiều nông dân từ triệu phú thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất phải tha hương mưu sinh. Sau những biến cố ấy, nhiều nông dân Tây Nguyên đã thức tỉnh, thay vì ồ ạt mở rộng diện tích, họ chuyển sang hướng canh tác bền vững bằng cách trồng thêm các loại cây vừa tạo bóng mát lại cho thêm thu nhập, giảm thiểu rủi ro khi độc canh một loại cây trồng.

Ông Đồng Xuân Liền - Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến (Nam Bình, Đắk Nông) cho biết, đã xen canh mắc ca, sầu riêng vào vườn hồ tiêu rộng 2,8 héc-ta nhằm ứng phó với những diễn biến thời tiết ngày càng khó lường. Theo ông Liền, nắng mưa là chuyện của trời, con người rất khó đoán định được. Tuy vậy, nông dân không thể phó mặc sinh kế cho trời mà phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế rủi ro. Đó là lý do ông Liền trồng cây muồng đen trước khi để hồ tiêu leo lên thay vì dùng trụ xi măng, trụ gỗ.

“Cây trồng xen vừa cho thu nhập lại tạo được bóng mát cho hồ tiêu. Phía dưới tôi cũng trải thảm thực vật để giữ độ ẩm. Đặc biệt, tôi cũng thay thế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân vi sinh, sinh phẩm hữu cơ để cây phát triển thật khỏe, tăng sức đề kháng, nhờ đó lướt qua bệnh hại; bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng”, ông Liền chia sẻ. Trung bình 1 năm, ông Liền thu được 4,5 tấn/héc-ta hồ tiêu, bán cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.

Không riêng ông Liền, 63 thành viên của HTX (trên 160 héc-ta) cũng ứng dụng mô hình trồng tiêu hữu cơ và đa canh cây trồng vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư, tiết kiệm nguồn nước tưới và giảm được thiệt hại do thiên tai. Mới đây (ngày 30/11), HTX của ông là 1 trong 16 chủ thể được UBND tỉnh Đắk Nông trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Đắk Nông cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên. Hiện tượng El Nino (hiện tượng thời tiết bất thường) gây hạn hán kéo dài làm giảm 20-25% lượng mưa từ đó làm thiếu nước trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Biến đổi khí hậu làm giảm dòng chảy trên các dòng sông dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê; ảnh hưởng trực tiếp đến sự thiếu nước của hệ thống thủy lợi. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hàng năm Tây Nguyên thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước, đến năm 2030 thiếu khoảng 5,5 tỷ m3 nước.

Ông Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, toàn Tây Nguyên có gần 600.000 héc-ta cà phê. Những năm gần đây, nhiều nông dân bắt đầu ứng dụng rộng rãi mô hình tưới nước nhỏ giọt trên nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả... Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, giảm bớt chi phí đầu tư và là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm được nước tưới trong mùa khô hạn. Dẫu vậy, mô hình này cũng gặp trở ngại về chi phí đầu tư ban đầu và diện tích vườn cây của nông dân đang nhỏ lẻ, phân tán. Viện cũng khuyến khích nông dân nên áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt ở diện tích lớn.

Ông Phan Việt Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa gió thất thường, phá vỡ quy luật sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt làm phát sinh nhiều sâu bệnh hại. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh lên nền sản xuất nông nghiệp. Do đó, người dân cần chủ động thích ứng “sống chung” bằng việc lựa chọn cây trồng phù hợp với từng loại đất, điều kiện khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.