>> Ý kiến khác nhau về việc mây phóng xạ lan đến Việt Nam
Xét về tổng thể, đám mây phóng xạ tiếp tục lan rộng trên hai đại dương lớn nhất thế giới là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Riêng ở Thái Bình Dương, mây vẫn lan chủ yếu xuống mạn nam, vùng vĩ độ có các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Việt Nam, thành viên mạng lưới của tổ chức Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), trên vùng Đông Nam Á, mây phóng xạ tiếp tục di chuyển xuống hướng tây nam so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, nơi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng sau trận đại động đất ngày 11-3 mạnh 9 độ richter. Hôm qua (25-3), mây phóng xạ bay qua Philippines.
Dự báo, hôm nay và mấy ngày tới, mây tiếp tục hướng về phía Indonesia và Malaysia, các quốc gia nằm ở phía nam của Việt Nam.
Với Việt Nam, hôm qua, phần đám mây di chuyển theo hướng đông bay qua gần Mũi Cà Mau nhưng chưa thấy đi vào đất liền. Đám mây tiếp tục hướng đến Malaysia và các nhà phân tích không chắc, mấy ngày tới, có lan vào đất liền Việt Nam hay không vì điều đó phụ thuộc điều kiện thời tiết ở Đông Nam Á.
Bộ KH&CN một lần nữa khẳng định, nếu mây phóng xạ bay vào Việt Nam, cũng khó ảnh hưởng đến nền phông phóng xạ hiện tại ở nước ta, khó gây hại sức khỏe do hàm lượng quá thấp. Ngày 25-3, mây phóng xạ bao trùm lên phía nam quần đảo Phillipines và nồng độ hạt nhân phóng xạ có xu thế giảm dần.
Ngày 24-3, Cục An toàn Bức xạ & Hạt nhân tiếp tục đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ của hai công dân Việt Nam. Kết quả đo không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ trong cơ thể của những người được kiểm tra. Trước đó, ngày 21 và 22-3, ba người cũng được kiểm tra và cũng không phát hiện bất thường nào.