Mất điện toàn miền Nam không phải 'bất khả kháng'!

TPO – Sự cố mất điện toàn miền Nam vừa qua, không phải là sự cố bất khả kháng, đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty luật TNHH Trường Lộc.
Chỉ một thân cân chạm vào dây tải điện khiến toàn miền Nam mất điện

>Mất điện toàn miền Nam, EVN mong cảm thông, chia sẻ!

>Tạm giữ 3 người liên quan mất điện toàn miền Nam

Chỉ một thân cây chạm vào dây tải điện khiến toàn miền Nam mất điện.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty luật TNHH Trường Lộc nói: Vụ mất điện toàn miền Nam không phải là sự cố bất khả kháng. Sự cố bất khả kháng là sự cố xảy ra một cách khách quan, không thể tiên liệu được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện khả năng cho phép (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh…).

Sự cố bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, ngoài ý chí của người có hành vi vi phạm…”.

Như vậy, sự kiện mất điện do hành vi nói trên của tài xế Ngô Tấn Thảo không phải là sự kiện bất khả kháng để loại bỏ trách nhiệm của người vi phạm.

Làm rõ trách nhiệm

"Trường hợp vận hành lưới điện, các thiết bị an toàn lưới điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì cần xem xét trách nhiệm của EVN", luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đối với lái xe và những người liên quan có dấu hiệu “Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện” và cần xem xét điều kiện an toàn lưới điện cao áp tại vị trí xảy ra sự cố.

Chiếc xe cẩu 61P-3745 do tài xế Ngô Tấn Thảo (ngụ Bình Dương) điều khiển chở cây dầu có chiều cao khoảng 15 mét, trong lúc nâng cây dầu tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một đã gây ra sự cố chạm vào đường điện cao áp 500 KV Bắc Nam gây sự cố mất điện.

Theo luật sư này, việc mất điện toàn hệ thống cũng cần điều tra về việc vận hành mạng lưới điện và tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị đảm bảo an toàn lưới điện của EVN.

Theo luật sư Tuấn, hành vi nói trên của tài xế Ngô Tấn Thảo đã vi phạm khoản 3, điều 51 Luật điện lực, có dấu hiệu vi phạm điểm b, khoản 1 điều Điều 241 “Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện” quy định người nào có hành vi làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện gây hậu quả nghiêm trọng.

Để làm rõ trách nhiệm của ngành điện cần kiểm tra, xác định khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất tự nhiên không được nhỏ hơn quy định về an toàn lưới điện cao áp hay không. Nếu khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất nơi xảy ra sự cố thấp hơn khoảng cách cho phép (8m) thì ngành điện đã vi phạm.

Tại hiện trường xảy ra sự cố, vẫn còn nhiều cây dầu cao hơn đường dây 500kV.

EVN né phóng viên?

Nhiều bạn đọc bày tỏ nghi ngờ xung quanh sự cố gây mất điện toàn miền Nam.

Khi nhận được những phản ánh của người dân, sáng 24/5, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với số điện thoại 04. 4.221.71.626 từ website của Tập đoàn Điện lực (evn.com.vn), sau đó được nhân viên này giới thiệu tới số điện thoại 04.28041987.

Phóng viên tiếp tục liên hệ đến số điện thoại 04.28041987 một giọng nam nói, nếu anh là phóng viên thì cầm theo giấy giới thiệu qua đây để làm việc. Khi chúng tôi đã cầm giấy giới thiệu theo đúng yêu cầu của nhân viên trên đến trụ sở EVN tại 18 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội) thì gặp ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng ban, Ban Quan hệ cộng đồng. Ông này đề nghị đặt câu hỏi phỏng vấn, khi đặt xong câu hỏi phỏng vấn, ông Bình nói: "Tôi không có thẩm quyền trả lời và lãnh đạo đã đi vắng".

Theo Điều 51 Luật điện lực về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

1. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấpđiện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.

2. Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thoả thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này.

3. Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.

4. Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

5. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệvới đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

6. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường sắt dành cho tàu chạy điện, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 7,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

7. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa, chiều cao tối thiểu của dây dẫnđiện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Phương tiện vận tải thuỷ khi đi qua điểm giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa phải bảo đảm chiều cao không vượt quá chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thuỷnội địa đó.

Khoảng cách an toàn của đường dây dẫn điện trên không giao chéo với tuyến giao thông đường biển được quy định cho từng trường hợp cụ thể.

8. Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Điều 241. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện;

b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện;

c) Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;

d) Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đ.H
Theo Viết