Mặt cầu Long Biên lồi lõm, rất nguy hiểm. Ảnh: Quỳnh Nga
Mỗi ngày, hàng ngàn lượt xe máy, xe đạp và người đi bộ lưu thông qua cầu Long Biên nhưng mặt cầu lồi lõm. Chị Nguyễn Thị Hà (Ngọc Lâm, Long Biên) cho biết: “Trước đây, tôi thường đi qua cầu Long Biên để đến cơ quan ở quận Hoàn Kiếm. Nhưng sau hai lần va chạm xe vì vấp phải ổ gà trên cầu, tôi không dám đi nữa, chuyển sang cầu Chương Dương cho an toàn”.
“Chúng tôi đã nhiều lần trám nhựa vào ổ gà trên cầu, nhưng cứ làm xong chỗ này, chỗ khác lại thủng. Không thể trám liên tục được vì công ty không có nhựa, mỗi lần sửa phải đi mua từng cân”.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, mặt cầu chiều đi từ đường Hồng Hà sang phía bắc cầu Long Biên thủng lỗ chỗ. Đứng trên mặt cầu nhìn qua kẽ hở thấy nước sông chảy phía dưới. Từng tấm bê tông dài khoảng 1m ở mặt cầu cập kênh theo mỗi bánh xe qua. Ở vị trí tiếp giáp giữa 2 tấm bê tông, lớp nhựa thủng trơ khung sắt, nhìn thẳng xuống dòng sông. Ổ gà không được trám nhựa, ngày càng rộng thêm, có ổ gà đường kính dài khoảng nửa mét. Chiều ngược lại của cây cầu tình trạng không khá hơn.
Lan can của phần đường dành cho người đi bộ, nhiều đoạn bị gỉ, bong mối hàn; người đi đường nếu không cẩn thận có thể rơi xuống sông. Những tấm bê tông gập ghềnh theo từng bước chân. Quan sát kỹ, nhiều thanh trụ sắt phía dưới bong mối hàn, rời khỏi trụ.
Chiều và tối, những đoạn thiết kế làm đường tránh trên cầu bị những người bán cá, rau, ngô… thu hoạch dưới bãi bồi biến thành chợ cóc. Người đi đường dừng lại mua bán, khiến cây cầu càng nhốn nháo; thậm chí xảy ra va chạm mỗi khi các xe vượt nhau.
Ông Lê Hồng Giang, GĐ Cty Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) lý giải, mặt cầu Long Biên lồi lõm do hệ thống dầm và khung bị yếu. Phần đường nhựa chủ yếu thảm phía trên các tấm bê tông. Khi khung yếu, các tấm bê tông này rung lắc nên nhựa bị tụt, thủng lỗ chỗ. Xe cộ qua lại khiến vị trí thủng càng rộng thêm.
Tuy nhiên, vị giám đốc này đánh giá: “Mặt cầu lồi lõm ảnh hưởng việc đi lại của người dân chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề cấp bách trước mắt là gia cố lại gầm thép, khung cầu phía dưới do gỉ sắt; nhiều chỗ có nguy cơ đổ sập khiến người dân rơi xuống sông bất cứ lúc nào”.
Mỗi năm, kinh phí duy tu cầu Long Biên được xấp xỉ 7 tỷ đồng, nhưng đại diện Cty Hà Hải cho biết, số tiền này sử dụng để thay tà vẹt, sửa chữa đường sắt qua cầu; các hạng mục khác phải “chắt bóp” từng đồng.