Mập mờ những vụ dụ dỗ, bắt cóc trẻ em
> Bắt cóc con tống tiền để mua ma túy
> Giải cứu bé trai bị bắt cóc theo 'đơn đặt hàng'
> Kiều nữ bắt cóc bé 9 tháng tuổi, bán sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ dụ dỗ, bắt cóc học sinh gây hoang mang dư luận TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Một điều khiến người ta không khỏi lo lắng là, tại sao rất nhiều trẻ chưa được dạy những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân?
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Đầu năm 2013, bé Thụy Anh - học sinh lớp 2 trường Tiểu học NVĐ, quận 3, TP.HCM đang chờ mẹ ở cổng trường, bỗng có một người đàn ông phóng xe đến gần, bảo: “Mẹ con bận công chuyện, nhờ bác đón con”.
Chờ mẹ lâu quá, và cũng tin người đàn ông, khi ông ta kể tường tận tên của ba mẹ, ông bà và vài thông tin về gia đình, Thụy Anh leo lên xe. Nhưng ngay lập tức nhớ lời mẹ dặn, cô bé nhảy xuống và nói với người đàn ông: “Bác đợi con vào gọi nhờ điện thoại cho mẹ…”. Cả nhà bé Thụy Anh được phen hú vía!
Chị Nguyễn Thu Trang - mẹ bé Thụy Anh khi nhận được điện thoại từ bác bảo vệ nhà trường, đã thực sự hoảng hốt. Chị dặn con đứng yên trong trường, không được lại gần bác “xe ôm” đó. “Khi tôi đến trường thì không còn thấy người đàn ông đó đâu nữa”, chị Trang kể lại.
Anh Dương Nhật Đức, bố bé Dương Nhật Đan, học sinh lớp 2 trường NTH, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Hơn tuần trước, có một người tên Vinh làm quen, cho cháu hộp sữa, cái kẹo, hỏi bố làm gì, mẹ làm gì, gia đình sống ở đâu… rồi người này bảo để ông ta đưa về. Nghe lời ba mẹ dặn, không được đi theo người lạ, nên bé Đan không theo”. Người đàn ông không nghe cứ vừa dỗ đi xem phim 3D, vừa kéo Đan ra khỏi cổng trường… Bác bảo vệ thấy chuyện lạ ra hỏi, thì người đàn ông tên Vinh bảo: “Ba nó nhờ tui đón về mà”. Bác bảo vệ cảnh giác nói đọc số điện thoại để hỏi ba của Đan… Người đàn ông ấp úng rồi tìm cách lẩn mất…
Câu chuyện ở TP.HCM còn chưa hết xôn xao, nhiều ngày qua, người dân xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước vô cùng lo lắng khi có học sinh bị lừa bắt sang biên giới Campuchia đòi tiền chuộc.
Sáng 5-4, PTAĐ - học sinh lớp 9 trường THCS Tân Tiến, huyện Đồng Phú đi học bình thường như mọi ngày. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, mẹ của Đ nhận được điện thoại của một thanh niên báo tin, Đ đã sang Campuchia và cho Đ nói chuyện với cha mẹ vài phút.
Sau khi cho Đ kêu khóc thảm thiết, chúng đòi tiền chuộc 66 triệu đồng nếu muốn đưa con về. Mẹ Đ nức nở: “Bọn chúng ngày nào cũng điện hối thúc đem tiền qua chuộc con, đến chiều 9-4 thì số tiền lên đến 4.500 USD, nếu không đem tiền sang, chúng sẽ đem bán con gái tôi qua Thái Lan”.
CAH Đồng Xoài cho biết, 1 học sinh nữ ở đây cũng bị bắt cóc và gia đình mới chuộc con về. Hiện cơ quan điều tra xác định 3 học sinh mất tích. Nhiều khả năng, một nhóm đối tượng đã dụ dỗ các em, rủ đi chơi rồi chạy thẳng qua biên giới, nhốt các em ở đó để đòi tiền chuộc.
Liên tiếp xảy ra các trường hợp lừa, dụ dỗ trẻ em dù chưa xác định mục đích là bắt cóc tống tiền hay buôn người, song đây thực sự là lời cảnh báo về một loại tội phạm nguy hiểm.
Trẻ thiếu kỹ năng tự bảo vệ
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai - Viện KHXH&NV TP.HCM cho biết: Cuộc sống xô bồ, vội vã với nhiều cạm bẫy đã khiến các bậc cha mẹ hoảng sợ và tách con ra khỏi môi trường, giữ con trong 4 bức tường nhà trường và gia đình, học và học.
Đấy là hệ quả vài năm gần đây, rất nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông, văn hóa ứng xử không biết, kỹ năng sống tối thiểu cũng yếu, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình không có… và đó là lý do hình thành nên trào lưu “học kỳ quân đội” để mong rèn thêm nghị lực sống, kỹ năng… tồn tại, kỹ năng “làm người”, cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống.
Đáng tiếc, lẽ ra những điều đó phải được rèn giũa ngay từ nhỏ, được uốn sửa ngay từ đầu để trẻ hình thành một ý thức phòng vệ tự nhiên… Đến bây giờ, khi xảy ra nhiều sự việc, các bậc cha mẹ mới lo lắng, nhất là khi mức độ phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sự xâm hại đối với trẻ càng lớn.
Dạy con là một trong các công việc phức tạp nhất của người làm cha mẹ. Và việc hình thành, hoàn thiện kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng tự bảo vệ của trẻ không chỉ giúp trẻ một nhân cách tốt sau này, trẻ sẽ tự tin hơn, ý thức tốt hơn về sự an toàn của chính mình, làm chủ được hành vi, làm chủ được cuộc sống, mà còn là tiền đề xây dựng nên một công dân có bản lĩnh, có đạo đức, có lối sống trung thực, giúp các em hòa nhập vào cuộc sống dễ dàng hơn, tự do hơn.
Kỹ năng tự bảo vệ của trẻ
- Cha mẹ nên khéo léo thảo luận với trẻ về những bài báo phản ảnh việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
- Dạy trẻ cảnh giác với các tình huống khác thường. Không chỉ với người lạ mà ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của gia đình. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè cha mẹ, hàng xóm…
- Dạy trẻ tập thói quen ứng phó nhanh, chẳng hạn khi cha mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết; hãy gọi điện thoại hoặc báo người lớn hơn. Khi bị lạc đường, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cần lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ. Nên dạy các bé từ 6 tuổi trở lên cách sử dụng điện thoại; chú trọng kỹ năng phòng tránh tai nạn (bỏng, TNGT, cháy nổ, té ngã, bị hành hung, chết đuối, hóc dị vật…), kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, kỹ năng tránh xa TNXH (ma túy, rượu, cờ bạc…), kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân (tránh tự tử, tránh tự hủy hoại bản thân…).
(Thạc sỹ Nguyễn Thị Thúy - chuyên gia đào tạo tâm lý - kỹ năng sống cung cấp)
Theo Đông Hải - Hoàng Hùng
ANTĐ