Mang tranh gạo đi khắp thế giới
Niềm đam mê đặc biệt với thể loại tranh độc đáo này đã đưa Nguyễn Thúy Vy trở thành “đại sứ văn hóa” của Việt Nam trong nhiều chương trình giao lưu quốc tế.
“Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy tranh vẽ trên giấy, tranh sơn mài, tranh thủy mạc ở bất kỳ quốc gia nào. Còn tranh gạo thì chỉ có ở Việt Nam. Hạt gạo là linh hồn quê hương, nhân duyên gắn liền với mỗi người Việt Nam chúng ta. Vì vậy tôi luôn tâm huyết với ý tưởng độc đáo đưa gạo thành tranh, khát khao chắp cánh cho thương hiệu tranh gạo bay xa, để tôn vinh đất nước con người Việt Nam, đặc biệt là những người nông dân đã làm ra những hạt gạo quý báu của quê hương”, cô gái 23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nói về niềm đam mê của mình.
Chính vì thế, đã hơn ba năm nay, với khả năng sáng tạo và bàn tay tài hoa, Vy đã “thổi hồn” vào những hạt gạo bình thường, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, rực rỡ màu sắc với hàng chục màu tự nhiên với đủ các tông sáng, tối, đậm, nhạt và mang nhiều thông điệp đầy ý nghĩa như: hình ảnh người chiến sĩ đang chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Trường Sa; Sen Việt với hình ảnh các thiếu nữ mặc áo dài trắng, đội nón lá; Cánh đồng vàng mang hình ảnh cánh đồng trù phú, thanh bình của vùng nông thôn Việt Nam…
Thông qua những bức tranh nghệ thuật sử dụng chất liệu thiên nhiên mộc mạc này, Vy mang tranh đi khắp nơi để quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam thông qua hàng chục sự kiện trong và ngoài nước.
Ông Norihiko Yoshioka, Phó giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tranh gạo rất độc đáo và ấn tượng. Hy vọng rằng nghệ thuật này sẽ ngày càng phát triển và được phổ biến hơn nữa. Còn ông Michael Abadie, quốc tịch Mỹ, cố vấn cao cấp của một tập đoàn ở Việt Nam thì cảm nhận, những tranh gạo của Vy mang vẻ đẹp rất độc đáo và mới lạ. Ngay từ cái nhìn đầu tiên đã bị hút hồn bởi những bức tranh gạo mộc mạc, tự nhiên nhưng đầy tính nghệ thuật. Thông qua những bức tranh gạo, ông càng thêm ngưỡng mộ và trân trọng đất nước, con người Việt Nam.
Ngoài ra, đây cũng chính là món quà quê nhà ý nghĩa được các người đẹp, hoa hậu tham gia các cuộc thi quốc tế chọn lựa khi giới thiệu hình ảnh đẹp, tinh tế, những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến với những thí sinh và bạn bè đến từ các quốc gia trên thế giới. Được biết, đến nay tranh gạo của Vy đã có mặt ở một số nước châu Á, châu Âu.
Hiện tại, ngoài thể loại chủ lực là tranh gạo, Vy cũng đã thử sức mình cùng tranh cát và tranh đá quý với khá nhiều đề tài đa dạng: thư pháp, phong cảnh đặc trưng của Việt Nam như chùa Một Cột, chợ Bến Thành, vịnh Hạ Long…
Vy dự định sẽ mở một siêu thị tranh để nơi đây sẽ là không gian văn hóa hội tụ các loại tranh nghệ thuật có chất liệu đặc sắc của Việt Nam.
Sắp tới, Vy sẽ sang Ấn Độ tham gia chương trình giao lưu thanh niên ASEAN - Ấn Độ năm 2012, qua đó có thể giới thiệu tốt nhất những nét đẹp của văn hóa Việt thông qua các tác phẩm tranh gạo mang theo. “Tôi luôn quyết tâm đưa tranh gạo gần hơn với thế giới và hy vọng những bức tranh của mình ngoài việc mang đến những giá trị cảm nhận mới về nghệ thuật, tôn vinh “hạt ngọc trời ban” của dân tộc, còn giúp cho người Việt Nam thêm yêu làng quê, đất nước”.
Công đoạn làm tranh gạo
Theo Vy, để cho ra đời một bức tranh gạo cần nhiều công đoạn: vẽ phác thảo ý tưởng hình, gạo được sấy qua nhiệt độ phù hợp để tạo màu, được dán từng hạt lên mặt tranh, xử lý qua hóa chất để chống mối mọt. Tranh gạo có thể rực rỡ đầy màu sắc với hơn 20 màu tự nhiên với đủ các tông sáng, tối, đậm, nhạt. Được biết, do làm hoàn toàn thủ công nên một bức tranh gạo phải mất từ 7 đến 10 ngày. Riêng đối với tranh lớn hoặc chân dung, thời gian làm khoảng một tháng. Tranh gạo có thể bảo quản được 7 năm.
Theo Xuân Phương
Thanh Niên