Malaysia-Triều Tiên ăn miếng trả miếng

TP - Giữa những căng thẳng xung quanh vụ công dân Triều Tiên chết ở sân bay Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm qua lên án Triều Tiên “giữ các công dân Malaysia làm con tin”. Sau khi Bình Nhưỡng cấm người Malaysia rời khỏi nước này, Kuala Lumpur đáp trả bằng biện pháp tương tự.
Cảnh sát Malaysia đứng gác trước cổng Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hôm 7/3. Ảnh: Express News

Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố trả đũa chỉ vài giờ sau khi có tin các công dân Malaysia không được phép rời khỏi Triều Tiên. Ông Hamadi nói rằng, Malaysia buộc phải làm như vậy vì Triều Tiên “thao túng vụ việc chúng tôi gọi là giết người”.

Thủ tướng Najib chỉ trích Bình Nhưỡng đưa ra lệnh cấm trước. “Hành động không thích hợp bằng cách giữ công dân của chúng tôi làm con tin là điều hoàn toàn bất chấp luật pháp quốc tế và quy tắc ngoại giao”, Channel News Asia dẫn tuyên bố của ông Najib.

Thủ tướng Malaysia chỉ đạo cảnh sát “ngăn tất cả công dân Triều Tiên ở Malaysia rời đi cho đến khi chúng tôi được bảo đảm về sự an toàn và an ninh của tất cả người Malaysia ở Triều Tiên”. Ông Najib cũng lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh quốc gia. “Hy vọng của chúng tôi là có một giải pháp nhanh. Tôi kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên ngay lập tức để công dân của chúng tôi rời đi và tránh bất kỳ hành động leo thang nào”, ông Najib nói.

Khoảng 1.000 người Triều Tiên đang ở Malaysia. Trước đó, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này đưa tin: “Tất cả công dân Malaysia ở Triều Tiên sẽ tạm thời bị cấm rời khỏi Triều Tiên cho đến khi vụ việc xảy ra ở Malaysia được giải quyết đúng đắn”. 

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Malaysia, 11 người Malaysia đang ở Triều Tiên, bao gồm 9 người làm việc trong Đại sứ quán Malaysia tại Bình Nhưỡng và 2 người làm việc cho Chương trình Lương thực thế giới. Báo Malaysia New Straits Times đưa tin, rất khó xác định tình hình Đại sứ quán Malaysia tại Bình Nhưỡng. Một người có vẻ là nhân viên sứ quán đã trả lời điện thoại với giọng hoảng sợ và lưỡng lự không muốn nói chuyện. “Tôi xin lỗi. Tôi không có thẩm quyền nói bất kỳ điều gì vào thời điểm này”, người phụ nữ nói và từ chối cho biết danh tính.

Trục xuất, “lẩn trốn”, giám sát

Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur có quan hệ ngoại giao tốt đẹp nhiều năm qua, nhưng trở nên đối đầu sau khi một người đàn ông được cho là anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chết ở sân bay Kuala Lumpur. Cảnh sát Malaysia đang tìm kiếm nhiều người Triều Tiên để thẩm vấn, dù người Triều Tiên duy nhất bị bắt đã được thả vì thiếu bằng chứng. Triều Tiên chưa xác nhận danh tính của người đàn ông tử vong nhưng lên án cuộc điều tra của Malaysia là nhằm bôi nhọ họ. Malaysia đã trục xuất đại sứ Triều Tiên khi căng thẳng ngoại giao gia tăng, và Bình Nhưỡng đáp trả tương tự.

Theo KCNA, Bộ Ngoại giao Triều Tiên bày tỏ hy vọng chính phủ Malaysia sẽ giải quyết vấn đề theo “cách thức công bằng và kịp thời dựa trên thiện chí”. Các nhà ngoại giao và công dân Malaysia ở Triều Tiên sẽ được “hoạt động và sinh sống bình thường” trong khi lệnh cấm đi lại được áp dụng, KCNA nói.

Trong khi đó, cảnh sát trưởng Malaysia nói rằng, hai người Triều Tiên mà họ muốn thẩm vấn vì liên quan cái chết của người có tên trên hộ chiếu là Kim Chol đang “lẩn trốn” trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur. “Họ muốn trốn trong sứ quán bao lâu… đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ ra ngoài”, cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar nói với báo giới. Ông Khalid nói rằng, chính quyền Triều Tiên không hợp tác điều tra vụ việc này.

Chính quyền Malaysia đang tăng cường giám sát khu vực biên giới với Thái Lan để bảo đảm rằng không người Triều Tiên nào ra khỏi nước này, hãng thông tấn Bernama đưa tin. Nhiều xe của cảnh sát Malaysia đang trực bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và hạn chế xe từ Đại sứ quán ra ngoài. Những người đi ra từ Đại sứ quán đều phải cung cấp tên cho cảnh sát. Thứ trưởng Nội vụ Nur Jazlan cũng có mặt ngoài cổng sứ quán, Channel News Asia đưa tin.