Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

Lưu ý sức ép tăng giá dầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

TPO - Uỷ ban Kinh tế đặc biệt lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước.
Quốc hội trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6. Ảnh Như Ý

Sáng 22/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến thuận lợi, mặc dù cũng còn tiềm ẩn rủi ro và thách thức. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới dự kiến đạt đỉnh phục hồi vào năm 2018-2019, sau đó có thể giảm tốc dần.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cùng với những xung đột của các nền kinh tế lớn mà điển hình là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể là rào cản của sự phát triển. Ngân hàng Trung ương các nước lớn (bao gồm cả Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ - Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ dẫn đến lãi suất tăng và giảm thanh khoản thị trường tài chính.

“Kinh tế Trung Quốc đang có xu thế tăng trưởng chậm lại trong khi hiện đang đóng góp khoảng 35% vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tạo nên sự sụt giảm trong tiêu dùng và thương mại toàn cầu. Những điều này tạo nên cục diện kinh tế năm 2019 với những diễn biến phức tạp và khó lường”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay.

Mặc dù vậy, theo ông Thanh, với xu thế tích cực là chủ đạo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ khả năng phục hồi của kinh tế thế giới. Nội lực nền kinh tế cũng đã được củng cố khá vững chắc sau 3 năm 2016-2018 tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, tiếp tục tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta có thể tiếp tục tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì tăng trưởng hợp lý và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020.

“Điểm sáng” và yếu tố mới tích cực trong bối cảnh này được chỉ ra là việc Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Cùng với 10 hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết và đang được triển khai, đây sẽ là những cánh cửa quan trọng cho phép chúng ta tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng của thế giới cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhấn mạnh, cần lưu ý đến những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là những tác động không mong muốn từ bên ngoài nêu trên do nền kinh tế nước ta quy mô còn nhỏ, độ mở lớn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài có thể tạo nên áp lực lớn đến công tác điều hành nền kinh tế trong nước.

Đặc biệt lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước như tài nguyên suy giảm, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh còn yếu, chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn ra bất thường cũng có thể tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Về nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2019, Uỷ ban Kinh tế cơ bản tán thành với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, bảo đảm cân đối nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác những cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả.

Phòng ngừa, hạn chế rủi ro, đồng thời tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bối cảnh kinh tế, thương mại, tài chính thế giới có những biến động phức tạp và nhanh chóng với sự tác động của các nước lớn. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu xuất – nhập khẩu theo hướng tích cực, tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu; phấn đấu cán cân thương mại bền vững.

Nghiên cứu xây dựng điều chỉnh các chính sách phù hợp với tình hình mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên nguyên tắc có chọn lọc, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả; rà soát tính khả thi của các dự án đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ.