Lưới điện quốc gia: Sống trong sợ hãi!

TP - Sau sự cố mất điện toàn miền Nam ngày 22/5 vừa qua chỉ vì một chiếc xe cẩu, phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện 500 kV rất đáng báo động tại nhiều vùng miền trên cả nước.

> Sự cố mất điện toàn miền Nam sẽ không lặp lại
> Mất điện toàn miền Nam: Trách nhiệm EVN đến đâu?

Kỳ 1: Lấy trụ điện cao thế làm nhà

Nằm sát hàng rào phía sau trạm biến áp 500 kV Tân Định (khu vực thành phố mới Bình Dương) có một khoảng đất trống rộng và chạy dài theo một đường dây cao thế từ trạm điện đi ra. Khoảng đất này là hành lang an toàn lưới điện cao thế nên được bỏ trống. Do có nhiều cỏ, người dân địa phương tận dụng làm bãi chăn thả bò và mỗi ngày luôn có mấy chục con bò được thả rông nơi đây.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong trưa ngày 29/5, sau khi ăn no, nhiều con bò “rủ nhau” húc đầu vào chân trụ điện để mài sừng hoặc áp mình vào thân trụ điện để gãi ngứa. Không chỉ một, có lúc có gần chục con bò lớn nhỏ cùng làm việc này tại một nơi khiến trụ điện không khỏi chấn động, rung lắc. “Cảnh bò húc trụ điện diễn ra thường xuyên”- ông Miền, một người dân địa phương đi thu gom phân bò, nói.

Đàn bò thả rông cùng mài sừng, gãi ngứa tại một chân trụ điện cao thế gần Trạm biến áp 500 KV Tân Định. (Ảnh chụp trưa 29/5).

Thành phố mới Bình Dương đang là một đại công trường, việc xây dựng hạ tầng giao thông diễn ra khá rầm rộ. Tại nhiều điểm thi công, các phương tiện cơ giới, đặc biệt xe ủi, xe xúc đất “gặm” sát vào chân các trụ điện cao thế.

Trong số đó, có một trụ điện cao thế nằm cách trạm biến áp 500 kV Tân Định không xa đang bị đơn vị thi công đào khoét sâu ngay dưới chân cột. Dù vậy, tại khu vực này không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy có sự chỉ dẫn hay cảnh báo an toàn của đơn vị quản lý đường dây.

Ở nơi xảy ra vụ xe cẩu chạm vào đường dây 500 kV (ở khoảng trụ 1072-1073) gây mất điện toàn miền Nam hôm 22/5 vừa qua, hiện vẫn còn ngổn ngang cây cối, đất cát. Những hàng cây dầu ươm vươn cao chót vót đến gần phía dây điện. Đối diện phía vườn ươm là một công trường khá sôi động.

Trong phạm vi hành lang an toàn hoặc khu vực cận kề, những chiếc xe tải chở hàng hóa, cây cối ra vào tấp nập. Chưa kể có cả xe cơ giới đào bới đất trong hành lang an toàn, sát chân một trụ điện cao thế. Một đống đất chen lẫn rác rưởi cao ngất gần như ôm lấy chân một trụ điện.

Tình trạng dùng trụ điện làm nhà, làm nơi chất chứa hàng hóa hoặc xây nhà bao quanh trụ điện cao thế cũng rất phổ biến. Tại một góc khác của trạm biến áp 500 kV Tân Định, một ngôi nhà trên mặt đường Huỳnh Văn Lũy áp sát vào một trụ điện cao thế. Nhà có tường gạch, mái tôn kết hợp tre lá dễ cháy. Đây còn là một quán cà phê sân vườn nên có nhiều khách ra vào.

Một chiếc xe xúc gặm sát vào chân một cột điện 500 KV tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Đại Dương .

Trên đường số 2, khu phố 6, phường Trường Thọ, Thủ Đức (TPHCM) nằm gần trạm biến áp 220 kV (do một đơn vị thuộc Công ty truyền tải Điện 4 quản lý) có một trụ điện cao thế gắn sát với đuôi một căn nhà mái tôn. Khoảng không phía trong 4 chân trụ điện được người dân sử dụng làm nơi phân loại và chứa vật liệu cũ. Tại đây, thường có hai người phụ nữ túc trục làm công việc phân loại vật liệu.

Tình trạng dùng trụ điện làm nhà, làm nơi chất chứa hàng hóa hoặc xây nhà bao quanh trụ điện cao thế cũng rất phổ biến. Tại một góc khác của trạm biến áp 500 kV Tân Định, một ngôi nhà trên mặt đường Huỳnh Văn Lũy áp sát vào một trụ điện cao thế. Nhà có tường gạch, mái tôn kết hợp tre lá dễ cháy. Đây còn là một quán cà phê sân vườn nên có nhiều khách ra vào.

Một hướng khác của trạm biến áp kể trên, là một xóm trọ (đường 3, KP6, P.Trường Thọ) nằm liền kề hàng rào trạm và nằm ngay trong hành lang an toàn đường dây 220 kV. Khu nhà trọ có khung mái làm bằng sắt và lợp tôn. Bà Điều Ngọc Kiểm (65 tuổi), chủ khu nhà trọ cho hay xóm nhà này có 20 phòng trọ và 10 căn hộ khác của người dân, tất cả đều nằm trong hoặc bên cạnh hành lang an toàn điện.

Theo bà Kiểm, khu nhà trọ xây dựng từ nhiều năm về trước, nhưng đến nay không thấy ai “nhắc nhở” gì. Một mặt bà Kiểm nói “không có vấn đề gì khi sống dưới đường dây vì nhà đã được tiếp điện xuống đất”, mặt khác bà lại tỏ ra lo lắng: “Khi mưa gió, đường dây nó hú ghê người lắm”. Cách đó không xa, chân một trụ điện khác (thuộc đường dây này) cũng trở thành kho bãi chứa vật liệu xây dựng và vật liệu phế thải các loại.

Trong một hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) có một ngôi nhà cấp 4, lợp tôn ôm trọn cột của một đường dây cao thế. Ông M, chủ nhà cho biết căn nhà ôm trụ điện này tồn tại từ khá lâu, mười mấy năm về trước, khi ông đến đây ở thì căn nhà đã ôm trụ điện rồi. “Tôi cũng lo nhỡ có sự cố rò rỉ điện, nhưng hoàn cảnh khó khăn, không thể đi nơi khác được nên cứ liều ở từ ngày ấy đến giờ”- ông M, tâm sự.

Sống trong sợ hãi

Thành phố mới Bình Dương là nơi có đường dây điện cao thế (500 kV và 220kV) dày đặc, nhiều đường dây trong số đó chạy gần các khu vực dân cư và không ít trụ điện có chiều cao khiêm tốn khiến dây điện sà xuống khá thấp so với mặt đất, nhất là ở đoạn độ võng cực đại, gây lo lắng cho người dân. Toàn bộ lưới điện cao thế khu vực này do Cty truyền tải điện 4 quản lý và vận hành.

Bà Nguyễn Thị Ga (58 tuổi), nhà ở khu phố 3, phường Hòa Phú, sát nơi chiếc xe cẩu chạm đường dây 500 kV gây mất điện toàn miền Nam hôm 22/5 kể: “Một hôm con gái tôi cho biết nó đạp xe đi qua ngã tư gần nhà, nơi một đường dây 500KV chạy qua, vô tình nó chạm vào phần sắt trên tay lái của xe và thấy toàn thân tê tê như kim châm. Tôi không tin và ra chỗ đó thử thì bị y chang như nó. Tôi cho rằng nơi đó bị nhiễm điện do đường dây sà quá thấp”. Theo bà Ga, cũng vì dây điện sà xuống thấp nên việc va chạm gây mất điện như sự cố vừa qua là khó tránh khỏi.

Bà Nguyễn Thị Loan, một người hàng xóm xác nhận điều bà Ga nói là sự thật. Nhà bà Loan ở sát đường dây 500 kV nhất so với các nhà khác ở khu phố này. “Vào những lúc mưa to gió lớn, những tiếng hú phát ra từ các đường dây cao thế nghe rất rợn người”- bà Loan nói trong sợ hãi.

Theo Báo giấy