Lúng túng xếp hạng đại học

TP - Ngành giáo dục Việt Nam đưa ra mục tiêu có 1 ĐH Việt Nam lọt vào Top 200 trường ĐH của thế giới năm 2020, thế nhưng với đà tiến triển hiện nay sẽ rất khó đạt được. Ý kiến này được đưa ra tại Hội thảo “Đối sánh, xếp hạng và đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, ngày 15- 12.

TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, năm 2007, theo bảng xếp hạng ĐH của Webometrics với các trường ĐH khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có 7 trường lọt vào Top 100 trường ĐH khu vực. Nhưng trường có thứ hạng cao nhất trong danh sách đó ở Việt Nam là ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ mới xếp hạng thứ… 2120 của thế giới. Như vậy, chưa biết đến bao giờ giáo dục ĐH Việt Nam mới có thể cạnh tranh công bằng khi tham gia xếp hạng ĐH toàn cầu.

GS. William G. Tierney, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách giáo dục thuộc ĐH Southern California (Mỹ), chuyên gia hàng đầu trên thế giới về xếp hạng giáo dục đại học cũng cho biết, để tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng trường đẳng cấp thế giới, trường ông phải mất 30 năm phấn đấu.

PGS. TS Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, thực hiện xếp hạng ĐH cả trong nước lẫn quốc tế là để các trường biết vị trí của mình so với các trường ĐH khác, nhằm học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tuy nhiên, việc xếp hạng trong giáo dục ĐH ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân là do số liệu vừa thừa vừa thiếu và không có ý nghĩa do chưa xây dựng được hệ thống thông tin quản lý với các chỉ số hoạt động cốt lõi phục vụ việc đánh giá.

“Tâm lý đối phó vẫn còn tồn tại. Nếu thực hiện gấp, các trường cũng đưa ra con số khống, thiếu trung thực để đối phó vì sợ thứ hạng thấp. Như vậy, việc xếp hạng không đạt kết quả như mong muốn, mà trái lại còn gây tranh cãi trong dư luận xã hội”, TS. Phương Anh phân tích. “Do vậy, mục tiêu có 1 ĐH Việt Nam lọt vào Top 200 trường ĐH của thế giới năm 2020 khó thành hiện thực”.

Theo Báo giấy