Lực lượng 'cận vệ vô hình' bảo vệ tàu chiến, căn cứ hải quân Nga

Hải quân Nga có lực lượng người nhái đặc nhiệm chuyên bảo vệ căn cứ ven biển và tàu chiến khỏi hoạt động phá hoại của đối phương.
Hai binh sĩ OSNB PDSS làm nhiệm vụ tuần tra căn cứ tàu ngầm. Ảnh: Pinterest.

Đặc nhiệm chống phá hoại dưới nước (OSNB PDSS) của Nga, còn gọi là người nhái chiến đấu, là lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt, có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và tàu hải quân khỏi các cuộc tấn công của người nhái đối phương. Sự bí mật cũng như môi trường tác chiến ít người thấy khiến lực lượng người nhái này được mệnh danh là "cận vệ vô hình" của hải quân Nga, theo Sputnik.

Khác với đặc nhiệm hải quân, vốn được huấn luyện để hoạt động trong hậu phương địch, OSNB PDSS chỉ hoạt động trong khu vực căn cứ của Nga, nhằm tìm kiếm và vô hiệu hóa các thợ lặn đối phương. Cơ cấu biên chế lực lượng này là một trong những bí mật quân sự được giấu kín nhất của hải quân Nga.

Một cựu sĩ quan OSNB PDSS cho biết phần khó nhất của công việc là triển khai lực lượng từ tàu ngầm. Mỗi ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm có thể chứa ba người nhái với đầy đủ trang bị. Sau khi họ chui vào ống, cửa trong tàu ngầm sẽ được khóa lại, sau đó cửa trước mở ra để nước biển tràn vào. Đây là quy trình không hề dễ dàng, nhất là về mặt tâm lý, cựu sĩ quan này cho biết.

OSNB PDSS cũng thực hiện nhiều hoạt động thường nhật, bao gồm dò tìm thủy lôi. Họ làm việc theo ca, lịch trình phụ thuộc vào tình hình xung quanh căn cứ. Có những nhiệm vụ kéo dài tới nhiều tuần.

Lực lượng người nhái chống phá hoại được triển khai tới mọi căn cứ hải quân Nga, bao gồm cả những cơ sở ở nước ngoài như cảng Tartus, Syria. Một đơn vị thường gồm chỉ huy, một thợ lặn kiêm sĩ quan huấn luyện cấp cao, người nhái trinh sát, chuyên gia bom mìn và người vận hành thông tin vô tuyến.

Để trở thành người nhái chiến đấu, binh sĩ phải trải qua các khóa huấn luyện thường xuyên ở căn cứ Hạm đội Biển Bắc tại Gadzhiyevo. Nhiều đợt diễn tập cũng được tổ chức bởi Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspi. Các thợ lặn chiến đấu cũng có thể tham gia các chiến dịch tuần tra hàng hải và chống khủng bố.

OSNB PDSS được trang bị nhiều vũ khí lưỡng cư. Ảnh:Pinterest.

Để gia nhập OSNB PDSS, ứng viên phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu thể chất và thần kinh. Những người sợ bóng tối hoặc không gian hẹp sẽ bị loại ngay lập tức. Sau các thủ tục tuyển chọn nghiêm ngặt, ứng viên còn phải vượt qua nhiều vòng huấn luyện bao gồm lặn, định vị, huấn luyện nhảy dù. Binh sĩ OSNB PDSS phải thuần thục kỹ năng cận chiến tay không, sử dụng dao và bắn súng.

Lực lượng này được trang bị nhiều vũ khí cá nhân đặc biệt, gồm súng trường lưỡng cư ADS và APS, súng ngắn SPP-1M và súng phóng lựu chống phá hoại D-65. Đây đều là các vũ khí được thiết kế đặc biệt để có thể sử dụng dưới nước và cả trên cạn.

Đối với nhiệm vụ tuần tra, OSNB PDSS sử dụng xuồng chống phá hoại Đề án 21980 "Grachonok" hiện đại. Thông thường lực lượng này chỉ tuần tra gần căn cứ, nhưng nếu cần vẫn có thể triển khai bằng máy bay tới khu vực được chỉ định.

Theo Theo VnExpress