Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong những ngày đầu ở TPHCM thực hiện giãn cách (theo Chỉ thị 16) khiến người dân nháo nhác tìm mua lương thực, thực phẩm. Đến nỗi, rau đã có lúc thành mặt hàng xa xỉ. Một số lãnh đạo bộ ngành thậm chí tuyên bố sẵn sàng dùng máy bay chở hàng hóa từ miền Bắc vào, mà quên mất nhu yếu phẩm tồn động (như rau xanh đổ đống) tại các tỉnh lân cận bởi những hàng rào vô hình được dựng lên khiến TP HCM như ốc đảo. Một thành phố lớn trước khi có lệnh giãn cách xã hội, không có sự chuẩn bị những “luồng xanh” đảm bảo lưu thông, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, kể cũng lạ.
Sự đứt gãy về khái niệm, như câu chuyện “bánh mì” có phải là “lương thực”, không chỉ do năng lực cá nhân, mà sâu xa còn do thiếu chuẩn bị. Nếu thiếu sự chuẩn bị khoa học, bài bản hệ thống và lương tâm công bộc thì “bánh mì” là cách nói lóng của cư dân mạng về lối xin tiền mãi lộ của một lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường. Trong khi đó, bánh mì được các nhà khảo cổ cho rằng, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước Công nguyên.
Câu chuyện vi phạm nghiêm trọng 5K từ TPHCM khi tổ chức tiêm vắc-xin, xét nghiệm những tưởng đã được nhiều địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc, ai ngờ ngay tại Thủ đô vẫn lớp lớp người chen nhau chờ xét nghiệm hoặc đợi tiêm ở một số bệnh viện. Mặc cho lời phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vẫn chưa ráo mực: “Bịt chặt kẽ hở không cho Covid-19 xuyên qua”. Xuyên qua đâu? Kể cả các nhà chức trách có dựng hàng rào tại các cửa ngõ Thủ đô 24/7, nhưng buông lỏng bên trong thì vẫn có thể “bung”, “toang” như thường.
Trong khi ngay cả Bộ trưởng Y tế Anh tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn dính Covid, việc thực hiện 5K phải xuyên suốt. Vi rút SARS-CoV-2 tàng hình nên dường như người dân chỉ biết sợ khi quanh mình xuất hiện F0. Những cái chết cô quạnh, gia đình tứ tán vì cách ly tưởng ở đâu đó Ấn Độ, Indonesia…, thực ra có thể xảy ra với bất kỳ ai quanh ta, trong chính tổ ấm, trên đất nước này.
Các địa phương thấy “đứt gãy” phải hàn gắn ngay, đừng để một việc nhỏ cũng bận tâm Thủ tướng. Rất may, trong cuộc chiến với dịch bệnh, sự đoàn kết, đồng lòng và sẻ chia nhìn đâu cũng thấy. Đó không chỉ là những chiến sĩ áo trắng, những thanh niên áo xanh xung phong vào tâm dịch mà còn có cả từng gói ruốc, bó rau chan chứa tình của người mẹ quê gửi vào thành phố đang bị phong tỏa. Không đứt gãy tình người, sự đoàn kết, đó là sức mạnh thắng dịch.