TT-Huế:

Lũ dâng nhanh bất ngờ, thiệt hại chồng chất

TPO - Đến chiều 5/11, mưa lớn vẫn không dứt trên toàn địa bàn TT-Huế, lũ vẫn dâng cao gây nên nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh này.

Tại vùng biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, TT-Huế), tuyến đê bảo vệ cho hàng trăm ha ruộng lúa, ao hồ nuôi trồng thủy sản, nhiều xóm làng bên trong trong sáng 5/11 đã bị sóng lớn đánh vỡ hơn 100m. Nước biển băng qua đoạn đê vỡ xâm nhập vào đồng ruộng và ao hồ nuôi trồng thủy sản của dân Vinh Hải, mở cửa biển mới. Cũng tại tuyến đê này, những đoạn còn trụ lại đã bị sóng lớn xâm thực, ăn sâu vào bên trong từ 15 đến 20 mét, đứng trước nguy cơ chờ… vỡ. Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, bờ biển cũng bị sạt lở với chiều dài 120m.

Bờ biển xã Vinh Hải bị xâm thực nặng, sóng lớn phá hủy khoảng 100m đê bao, mở cửa biển mới nối thông vào đồng ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản bên trong.

Trong lúc mưa lũ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, thì tại xã Phong An (huyện Phong Điền), tin báo từ chính quyền địa phương cho biết, một người dân khi qua địa bàn xã này đã bị lũ cuốn mất tích. Danh tính, sự sống chết của nạn nhân mất tích này vẫn chưa được xác định. Lực lượng chức năng tổ chức lực lượng tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Trong chiều 5/11, tại huyện Phong Điền đã có hơn 400 hộ dân (1.578 nhân khẩu) phải di dời đến nơi an toàn, do nước lũ dâng cao, lũ có khả năng tái diễn mốc nước của cơn đại hồng thủy tháng 11/1999. Toàn huyện Phong Điền đã có 1.328 ngôi nhà ngập trong lũ; hơn 300 ha sắn và rau màu vụ đông các loại  bị hư hại, nguy cơ mất trắng; 10 lồng cá tại xã Phong Sơn bị lũ cuốn trôi.

Đến chiều tối 5/11, lũ vẫn còn ở mức cao tại các khu dân cư tại TT-Huế, rau màu vẫn còn chìm thối trong nước bùn.

Để phòng tránh thảm họa thiên tai, tại huyện Phú Lộc đã có 234 hộ dân (gồm 1.082 nhân khẩu) buộc phải di dời ra khỏi các vùng xung yếu sạt lở đất, vùng ngập sâu. Tính đến chiều 5/11, huyện này có khoảng 6.637 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ từ 0,6-0,8m, nặng nhất là xã Lộc Trì, với 1.700 nhà ngập. Lộc Trì cũng là điểm nghẽn ách tắc giao thông kinh hoàng từ đêm mùng 4 đến ngày 5/11, khiến cho hàng nghìn phương tiện vận tải bị kẹt, hoặc gặp khó khăn khi lưu thông qua đoạn Quốc lộ 1 thuộc xã này.

Tình trạng ngập lụt còn xảy ra nghiêm trọng tại địa bàn thị xã Hương Trà, với 1.500 nhà chìm trong lũ. Tuyến Tỉnh lộ 8A qua phường Hương Xuân, Tỉnh lộ 4 qua xã Hương Vinh, Tỉnh lộ 8B về xã Hương Toàn (Hương Trà) ngập trong lũ từ 0,5-1,2m, riêng vùng Lim (phường Hương Hồ) bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Người dân, lực lượng chức năng nỗ lực “giải cứu” một cây cầu tại Huế khỏi bị nước lớn cuốn trôi bằng cách giải tỏa bớt bèo tây, rều rác.

Mưa lũ với cường độ lớn còn gây sạt lở đất nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 49A nối thành phố Huế với huyện miền núi A Lưới, đặc biệt là tại vị trí Km 55 thuộc địa phận xã Hồng Hạ và Km 76 qua hai xã Sơn Thủy và Phú Vinh (huyện A Lưới). Lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 500m3, tràn kín ra mặt đường Quốc lộ. Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt nhiều vùng. Nạn sạt lở đất còn xảy ra tại 4 vị trí xung yếu trên tuyến đèo La Hy thuộc Tỉnh lộ 14B, chưa thể khắc phục do thời tiết xấu, gây nguy cơ chia cắt tuyến đường độc đạo nối đồng bằng với huyện vùng cao Nam Đông. Cũng tại huyện Nam Đông, sạt lở đất còn xảy ra dọc tuyến đường xã Hương Lộc, và các bờ sông, suối hai xã Hương Sơn, Thượng Long, với chiều dài gần 700m. Đáng lo ngại nhất là tại huyện miền núi này hiện có 29 người đi rừng chưa quay về nhà giữa lúc mưa lũ diễn ra hết sức tàn khốc.

Trong ngày 5/11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh TT-Huế cùng các ban ngành chức năng đã trực tiếp về những vùng xung yếu, khu vực nguy hiểm để trực tiếp chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, kiên quyết sơ tán dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm có khả năng ngập sâu, vùng sạt lở đất, tuyệt đối không để người dân chịu đói, rét trong mưa lũ.