Đóng băng do quá lo xa?
Trước tình trạng thị trường BĐS đóng băng, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giúp thị trường tan băng, từ ưu đãi về chính sách, pháp luật, tới ưu đãi về tài chính (gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng, giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…).
Tuy vậy, thị trường đóng băng vẫn hoàn đóng băng, tồn kho vẫn rất lớn (hết năm 2013 còn gần 95.000 tỷ đồng), gói 30.000 tỷ đồng sau hơn nửa năm gần như dậm chân tại chỗ khi chỉ giải ngân được 2%.
Nhiều người kỳ vọng, các chính sách nới rộng điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết một phần tồn kho BĐS. Tuy vậy, tới nay các chính sách mới chỉ dừng ở mức dự thảo.
Trong khi đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tới giữa năm 2013, trên cả nước mới có 126 trường hợp mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, tình trạng chậm trễ kể trên do Bộ Xây dựng thiếu nhất quán về chính sách nhà ở. “Các chính sách thường phải mò mẫm, làm cho rắc rối. Ngay như quy định cách tính diện tích căn hộ, không cho sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng… còn thiếu nhất quán. Rất nhiều nước áp dụng thành công việc cho người nước ngoài sở hữu nhà, chúng ta có thể học hỏi”, ông Liêm nói.
Theo tính toán của các chuyên gia, hiện có hàng trăm ngàn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, phải thuê nhà giá cao. Họ cũng có nhu cầu mua nhà để ổn định chỗ ở. “Cho họ mua chúng ta chẳng mất gì, lại giải quyết được một phần căn hộ dư thừa hiện nay, thúc đẩy sản xuất. Thiệt hại có chăng là những người đang cho người nước ngoài thuê nhà giá cao”, ông Liêm phân tích.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thành, mở điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, nguyện vọng của Việt kiều, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Đặc biệt, khi gói 30.000 tỷ còn chậm chạp, mở rộng điều kiện mua nhà sẽ tác động trực tiếp vào thị trường BĐS, tăng cầu xã hội, tăng giá trị sản phẩm, làm thị trường chuyển động tích cực hơn, giải quyết tồn kho… “Việc này đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Những lo ngại về an ninh, đầu cơ là không cần thiết. Việc ban hành các quy định đang quá chậm. Bộ Xây dựng đang thận trọng quá, nên có quy định mở rộng càng sớm càng tốt”, ông Thành nói.
Phải… chờ
Khẳng định việc mở rộng điều kiện mua và sở hữu nhà cho Việt kiều, người nước ngoài là cần thiết, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là một giải pháp nhiều nước đã làm. “Không nên lo ngại người ta sẽ mua hết nhà của mình. Đừng nghĩ cứ mở là nước ngoài nhảy vào ngay”, ông nói.
Ông Doanh phân tích, người nước ngoài còn phải xem các điều kiện làm việc, con cái học tập ra sao, điều kiện sinh hoạt, ô nhiễm môi trường… Chưa kể, giá BĐS tại Hà Nội và TPHCM vẫn cao hơn cả ở Úc, Canada.
“Không nên lo ngại người ta sẽ mua hết nhà của mình. Đừng nghĩ cứ mở là nước ngoài nhảy vào mua ngay”.
TS Lê Đăng Doanh
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, với trường hợp lo xa thì chỉ cần có những quy định rõ ràng các “vùng cấm”, như khu vực biên giới, khu vực trọng yếu quân sự, quốc phòng. Còn với chung cư có thể quy định tỷ lệ sở hữu tối đa, như Thái Lan không cho người nước ngoài sở hữu quá 49% tòa nhà chung cư. “Quy định như vậy để tránh người nước ngoài tụm về một chỗ, làm mất bản sắc Việt, khó kiểm soát an ninh trật tự…”, ông Liêm đề xuất.
Theo Bộ Xây dựng, các quy định mở rộng điều kiện mua và sở hữu nhà với Việt kiều và người nước ngoài tại Việt Nam hiện mới chỉ là dự thảo. Theo dự thảo này, cá nhân người nước ngoài được nhập cảnh sẽ được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam, gồm: Chung cư, nhà ở riêng lẻ, biệt thự, nhà ở liền kề với thời hạn sở hữu nhà không quá 50 năm và được gia hạn.
Còn theo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mại có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định.
Với Việt kiều, luật cho phép sở hữu không hạn chế số lượng, thời gian nhà ở bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất.
Việc sở hữu thực hiện thông qua các hình thức: Mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; mua, thuê mua nhà ở thương mại; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đô thị… Dự kiến, Dự Luật sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm nay.