Lợi, hại “chủ quản”

TP - Sau nhiều năm thí điểm, cuối cùng Chính phủ quyết định trả lại quyền quản lý phần lớn các tập đoàn, tổng công ty (91) cho các bộ. Nói như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, thì Thủ tướng sẽ chỉ duy trì một số quyền hạn, trách nhiệm ở một số ít tập đoàn (dưới 10),

> Quốc sách & quốc nạn

còn lại sẽ giao cho các bộ, ngành thực hiện một số quyền hạn, trách nhiệm. Từ đây, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại liệu có trở lại thời kỳ bộ, ngành chủ quản doanh nghiệp.

Sau thập niên đầu đổi mới, tuy đã dần xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp, nhưng cơ quan nhà nước vẫn được quyền can thiệp hầu hết vào việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này bộc lộ hàng loạt yếu kém, khiến doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Trong khi quan chức cũng chịu không ít rủi ro, nhiều người bị ngã ngựa vì liên đới trách nhiệm sai phạm của chủ doanh nghiệp.

Điển hình là vụ án Lã Thị Kim Oanh, có hai vụ trưởng và hai thứ trưởng của Bộ NN&PTNT lâm vòng lao lý, còn Bộ trưởng Lê Huy Ngọ phải từ chức.

Để bỏ cơ chế cơ quan nhà nước chủ quản doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Nhà nước chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu vốn với vai trò là người đầu tư vốn trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; và tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, kết quả thăm dò với 200 giám đốc doanh nghiệp Nhà nước của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương sau đó, cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước vẫn can thiệp vào công việc kinh doanh của họ, như: cơ quan nhà nước vẫn ban hành các văn bản mang tính chi phối hoạt động kinh doanh, chỉ đạo việc thực thi dự án đầu tư, các hợp đồng kinh tế, các hợp đồng mua bán tài sản...

Hay như việc cơ quan Nhà nước vẫn trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không tăng giá thời gian vừa qua là một ví dụ.

Thực tế trên vẫn diễn ra. Bằng chứng là, dù Chính phủ đã lập Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nhằm chuyển phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá về SCIC quản lý.

Tuy nhiên, đến nay khá nhiều địa phương và bộ ngành, nhất là với những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, sau khi đã cổ phần hoá không được chuyển cho SCIC quản lý. Lý do thì có nhiều, nhưng căn bản vẫn là vấn đề lợi ích “có đi có lại” giữa doanh nghiệp và cơ quan chủ quản.

Cơ chế trên, khiến doanh nghiệp nhà nước hoạt động khó minh bạch. Thậm chí nếu làm ăn yếu kém hoặc vi phạm pháp luật, còn được chủ quản che chắn, bởi nếu bung ra “xấu chàng, hổ ai”.

Vì thế, việc giao lại các tổng công ty 91 và tập đoàn cho các bộ quản lý, nếu không làm rõ cơ chế trách nhiệm, cơ chế vận hành thì dễ quay lại cơ chế cũ. Bởi trước khi các doanh nghiệp nhà nước này được chuyển cho Thủ tướng quản lý, nó đã từng được các bộ, ngành chủ quản.

Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, đã tới lúc Chính phủ nên lập một cơ quan thuộc Chính phủ, chuyên trách việc quản lý vốn và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Chỉ khi đó, cơ chế bộ, ngành chủ quản doanh nghiệp mới được xoá bỏ.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Theo Báo giấy