Loài chim có chiếc sừng quý hơn ngà voi

Một loài chim sống trong những cánh rừng mưa ở Đông Á đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi chiếc mỏ sừng có giá trị cao gấp ba lần ngà voi.
Chim tê điểu hay còn gọi là hồng hoàng mũ cát. Ảnh: Science Photo Library.

Theo BBC, chim tê điểu, hay còn gọi là hồng hoàng mũ cát, nặng khoảng ba kilogram. Chúng có cục u tạo thành từ chất sừng (một loại protein sợi) kéo dài dọc phần trên mỏ đến hộp sọ. Chiếc sừng cứng như sắt này có thể chiếm 11 % trọng lượng con chim.

Có hơn 60 loài chim mỏ sừng sinh sống ở châu Phi và châu Á, tất cả đều có sừng rỗng, trừ chim hồng hoàng mũ cát. Con trống sử dụng chiếc sừng trong những cuộc giao chiến. Ngoài ra, cả chim trống và mái đều dùng chiếc sừng như một dụng cụ đào côn trùng từ những thân cây mục ruỗng.

Tê điểu sống ở Malaysia và Indonesia, tập trung trên các hòn đảo Sumatra và Borneo. Chúng thường ăn trái cây và các loại hạt nên được mệnh danh là "những nông dân của rừng rậm" bởi vai trò phát tán hạt giống trong khi ăn.

Chim tê biểu bị săn bắn để lấy sừng. Ảnh: Science Photo Library.

Những con chim có sải cánh lên tới hai mét, bộ lông hai màu trắng đen và mảng da trần lớn xung quanh cổ họng. Chúng nổi tiếng với tính cảnh giác và khả năng lẩn trốn.

Mỗi năm, hàng nghìn con chim mỏ sừng bị giết để lấy sừng và các tay săn trộm thường bán đầu chim sang Trung Quốc. Trong năm 2012-2014, các nhà chức trách đã thu được 1.111 chiếc sừng từ tổ chức buôn lậu ở West Kalimantan, Indonesia. Yokyok Hadiprakarsa, nhà nghiên cứu chim mỏ sừng, ước tính khoảng 6.000 con chim bị giết hàng năm ở Đông Á.

Chiếc sừng của tê điểu đôi khi còn được nhắc tới như "ngà". Đây là một vật liệu đẹp để chạm khắc với bề mặt trơn nhẵn và sắc vàng do các chất tiết ra từ tuyến dầu. Phần lớn các loài chim sử dụng đầu để xoa chất dầu bảo vệ từ tuyến này lên bộ lông, chân và bàn chân.

Trong hàng trăm năm, những nghệ nhân Trung Quốc rất ưa chuộng sừng tê điểu và dùng nó để chế tác đồ cho giới quý tộc giàu có. Những thợ chạm khắc Nhật Bản cũng sử dụng sừng tê điểu để tạo các đồ vật tinh xảo đeo trên thắt lưng kimono của đàn ông.

Đồ chạm khắc làm từ sừng tê điểu. Ảnh: Science Photo Library.

"Một số ghi chép nhắc đến việc tặng sừng tê điểu cho các tướng quân. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, tê điểu trở nên rất hiếm do nạn săn bắn", Noriku Tsuchiya, người quản lý khu vực Nhật Bản trong Bảo tàng Anh, cho biết.

Nạn buôn bán sừng tê điểu trái phép vẫn tiếp diễn một cách bí mật. Sừng tê điểu có giá 6.150 USD/kg, gấp hơn 3 lần ngà voi. Khác với nạn săn ngà voi và sừng tê giác đang trở thành tâm điểm chú ý, việc giết tê điểu lấy sừng chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà chức trách. "Nếu không ai chú trọng theo dõi, tê điểu sẽ trở nên tuyệt chủng", Hadiprakarsa cảnh báo.

Loài chim sinh sản chậm này không chỉ bị nạn săn bắn đe dọa mà chúng còn đang mất dần môi trường sống. Do dầu cọ ngày càng được ưa chuộng ở phương Tây, người trồng cọ đang phá hủy những cánh rừng mưa ở châu Á. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Singapore ước tính Sumatra và Borneo mất gần 3 % diện tích rừng mưa ở vùng đất thấp mỗi năm. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, tê điểu "thuộc hạng mục Gần tuyệt chủng và cần được theo dõi cẩn thận để tránh số lượng tiếp tục giảm trong tương lai".

Theo Theo VnExpress