Lo ngại tham nhũng, day dứt Biển Đông

TPO - Sáng nay (16/11), Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.
ĐBQH Lê Văn Lai

Quan ngại trước vấn đề chủ quyền biển đảo

Tại phiên chất vấn, thể hiện thái độ chưa hài lòng trước quốc nạn tham nhũng, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề: “Cử tri nhận thấy rằng hình như vào những năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội, trước đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên ở mức quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, hàng triệu người dân đang vật lộn với mức lương vài triệu đồng thì nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ rất thấp giàu lên một cách rất nhanh chóng. Tôi thấy, việc xử lý hiện tượng tham nhũng chưa được mạnh mẽ”.

Từ “giặc nội xâm” tham nhũng, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng bày tỏ quan ngại trước vấn đề chủ quyền biển đảo, vì cho rằng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn.

Các câu hỏi về giáo dục, biển đảo sẽ được các thành viên Chính phủ trả lời trong buổi chiều cùng ngày.

Bộ trưởng GD&ĐT có dám nhận trách nhiệm trước dân?

Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề cập đến đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như việc thay đổi môn lịch sử.

Đại biểu Lai nêu: Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp.

"Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Sai lầm về phương pháp dẫn đến sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ. Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục", ông Lai nêu chất vấn.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó. Trước phản ứng của dư luận trong thời gian qua, đại biểu Lai đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề nêu trên ra sao? Có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không? 


"Bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng bắt đầu từ sự phá vỡ thành phần", theo ông Lai, việc Bộ cho rằng rất nhỏ như thay đổi cách dạy môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Vị đại biểu đoàn Quảng Nam cũng liên hệ đến việc thay đổi bản dịch "Nam quốc sơn hà", từ bản truyền thống sang một bản khác. "Bộ cần lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, những vấn đề nhạy cảm để khắc phục những sai sót không đáng có, hoàn thành đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội phê chuẩn và nhân dân kỳ vọng", ông Lai nêu.