Ấy thế nhưng khi người dân tự ý neo hàng ngàn, hàng vạn những bồn nước đủ kích cỡ kín các chung cư cũ, rồi trên những nóc nhà trống trải, hay ở gian hang hốc, khoảng trống xen kẹt giữa các tòa nhà thì mọi chuyện lại trở nên bình thường.
Vì sao lại có nhiều “bom nước” đến vậy? Nước yếu, nước thiếu, nước kém chất lượng, nên buộc người dân phải lo dự trữ nước. “Bom nước” là minh chứng sinh động cho dịch vụ nước sạch của Hà Nội còn quá nhiều bất cập.
Thêm nữa, hẳn là trong các bản thiết kế công trình nhà ở chưa dành một phần không gian thỏa đáng cho việc đặt bồn nước. Vì lẽ đó những quả “bom nước” cứ hồn nhiên được treo lên ở bất cứ nơi nào trên các tòa nhà, miễn là có thể treo được. Cách làm tuỳ tiện đó đã góp phần vẽ nên diện mạo một đô thị nhếch nhác, xấu xí, bất an. Không chỉ vậy những quả “bom nước” đang gặm nhấm sức bền của nhiều ngôi nhà, nhất là các chung cư cũ.
Sau một thời gian bùng nổ “bom nước” đến nay đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Nhiều bồn nước được lắp đặt cẩu thả bị nghiêng đổ, rơi trong đó có trường hợp gây hậu quả chết người.
Nguyên nhân nhiều vụ tai nạn được chỉ ra là do giá đỡ sau thời gian sử dụng đã “lão hóa”, trong khi phải cõng trên mình hàng ngàn lít nước dẫn đến gãy đổ; bên cạnh đó, do lắp đặt cẩu thả trên những mặt bằng không đảm bảo dẫn đến các bồn nước có thể đổ ụp bất cứ lúc nào nhất là khi có giông bão.
Một điều dễ nhận thấy là các nhà sản xuất bồn nước dường như mới chỉ quan tâm đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng của bồn nước mà không có những tiêu chuẩn cụ thể với giá đỡ bồn nước, cũng như quy trình lắp đặt ở những điều kiện địa hình khác nhau.
Đây là một lỗ hổng lớn! Tương tự với các cơ quan quản lý nhà nước hiện cũng chưa có được một khung tiêu chuẩn về kỹ, mỹ thuật và độ an toàn đối với bồn nước lắp đặt tại các công trình đô thị. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát việc lắp đặt bồn nước là con số không. Hàng vạn quả “bom nước” vẫn lơ lửng trên đầu người dân hàng ngày và có thể gây họa bất cứ lúc nào khi mà trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng vẫn còn lơ lửng.