Lò gạch, khoáng sản tàn phá ruộng đồng

TP - Tư nhân đến mua ruộng trực tiếp từ người dân để lấy đất đem bán lò gạch, chính quyền không quản lý; doanh nghiệp mới có giấy phép thăm dò khoáng sản đã ào ạt múc đất ruộng, chính quyền cũng... bó tay. Trong khi đó, ruộng đồng tan hoang, dân không có đất trồng lúa. Chuyện ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

> Những công trình thủy lợi gây hại
> Khói bụi bức tử môi trường, 'tra tấn' dân

Ép dân bán ruộng

Hiện ở xã Hòa Phú (Hòa Vang) có 2 điểm khai thác đất sét bán cho các lò gạch trên địa bàn huyện Hòa Vang và huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Đó là thôn Hòa Phước và thôn An Châu. Tổng cộng hàng chục hecta đất ruộng đang bị cày xới tan hoang. Điều đáng nói, các DN tư nhân lên thỏa thuận với người dân mua ruộng, ai bán thì bán, ai không bán cuối cùng cũng phải… bán.

Bà Trương Thị Thân (thôn Hòa Phước) có 1,3 hecta ruộng ở thôn, nằm ven tỉnh lộ 604, là hộ gia đình cuối cùng bán ruộng cho một tư nhân tên Tuấn, nói: Các hộ khác bán hết, tui định không bán nhưng cũng không được. Mảnh đất của tui nằm gần đường, doanh nghiệp họ khai thác hơn 10 hécta ở phía trong, đăng nào cũng phải đi qua ruộng tui. Họ năn nỉ mãi, cuối cùng phải bán. Giá 20 triệu cho 1,3 héc ta.

Tại hiện trường ở thôn Hòa Phước, một mảnh đất rộng chừng 7 héc ta đã bị xe ben, xe ủi cày xới nham nhở. Độ sâu chừng 2 – 3m. Xe ben chở đất ùn ùn chạy về hướng các nhà máy gạch tuynen. Được biết, có khoảng trên dưới 10 hộ dân ở thôn Hòa Phước vì lợi ích trước mắt đã bán ruộng cho tư nhân để họ múc đất đem bán.

Tương tự, ở thôn An Châu, hiện có 1 DN đang khai thác đất đem bán từ thời gian 2004 đến nay, là DN Minh Tân với diện tích khoảng 13,4 héc ta. Tháng 6/2013, có 3 DN tư nhân khác làm tờ trình xin được thăm dò khai thác đất cũng ở địa điểm trên.

UBND huyện Hòa Vang cùng Sở TNMT đồng ý cho 3 DN cùng thăm dò. Hiện các DN vẫn chưa có giấy phép khai khoáng. Tuy chỉ có giấy phép thăm dò, nhưng 2 trong 3 DN này đã nhảy vào, tự thỏa thuận với người dân, mua đất ruộng rồi múc đem bán cho các lò gạch, thu siêu lợi nhuận vào túi.

Tại hiện trường thôn An Châu, điểm khai thác đất ở Bàu Tong rộng bạt ngàn, hàng chục xe múc đua nhau múc đất. Cánh đồng Bàu Tong trước đây được mệnh danh là vựa lúa của thôn Hòa Phú, nay nham nhở tan hoang. Có khoảng vài chục hộ dân đã ký đơn bán đất ruộng cho các DN này, mỗi héc ta khoảng 30 – 40 triệu.

Nông dân thiếu đất, chính quyền… qua loa

Ông Nguyễn Văn Vân – Chủ tịch UBND xã Hòa Phú thừa nhận tình trạng khai thác đất lộn xộn ở địa bàn và cho hay, rất khó để quản lý vấn đề này.

“Có chuyện một số DN khai thác ồ ạt khi mới chỉ có giấy phép thăm dò ở thôn An Châu. Vấn đề này rất khó quản lý. Chỉ mới có DN Minh Tân được cấp phép khai thác, họ làm đàng hoàng, có nộp phí. Hằng năm cũng ủng hộ cho xã, 10 – 15 triệu. Đây là chủ trương lớn của huyện trong chương trình nông thôn mới” – ông Vân nói.

Được biết, xã Hòa Phú chỉ có 96 héc ta đất sản xuất lúa, riêng bàu Tong chiếm 21 héc ta, là vựa lúa lớn thứ 2 của xã sau đồng Tréo. Hiện 21 héc ta ở ruộng bàu Tong ở thôn An Châu đang bị các DN khai thác đất múc sạch, độ sâu 4 – 5m, lọt thỏm cả một chiếc máy xúc dưới hố.

Ông Vân thừa nhận, cánh đồng bàu Tong rất ít khi thiếu nước hạn hán vì có đường mương thủy lợi dẫn từ hồ Đồng Nghệ-một hồ đập thủy lợi lớn của Đà Nẵng. Vì sao một cánh đồng đang sản xuất lúa hai vụ lại bị đem múc đất, sau này chuyển qua nuôi trồng thủy sản? Ông Nguyễn Văn Vân lại cho hay, đó là chủ trương của huyện.

Một hộ dân cho hay, có tiền nên họ bán ruộng, ở cánh đồng bàu Tong rất khó nuôi cá. Còn bà Thân nói thẳng, ở thôn Hòa Phước, bán đất xong là thôi, DN múc đất xong, họ không hoàn thổ, không be bờ thì không thể nuôi thủy sản. Ngoài ra, ở đó hạn hán quanh năm, không thể có nước.

Phòng TNMT huyện Hòa Vang cho hay, tất cả các DN khai khoáng hoặc thăm dò khai khoáng ở thôn Hòa Phú đều được lãnh đạo thống nhất từ chủ trương lớn của UBND, HĐND thành phố Đà Nẵng. Một điều khó hiểu là nông dân Đà Nẵng hiện đang rất thiếu đất sản xuất lúa, còn chính quyền xã, huyện lợi dụng chủ trương, bật đèn xanh cho DN ào ạt múc đất đem bán cho lò gạch kiếm lời.

Theo Báo giấy