“Lô cốt” bủa vây, người dân khốn khổ

TP - Hàng rào công trường ngổn ngang, đường sá bị thu hẹp và ùn tắc triền miên… là thực trạng trên nhiều tuyến đường Thủ đô hiện nay. Lý giải việc này Sở GTVT Hà Nội cho rằng, làm đường mà không dựng lô cốt thì xây dựng làm sao được.
Do lô cốt thu hẹp lòng đường, sáng qua ùn trên diện rộng tại nút Thanh Xuân. Ảnh: Trọng Đảng

10 năm sống chung với lô cốt

Là một trong những hộ dân có nhà phải tháo dỡ để phục vụ dự án đường vành đai 3, tuy nhiên từ khi bàn giao nhà cho dự án (năm 2001) đến nay ông Nguyễn Minh Thành, ở khu tập thể Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân vẫn chưa một ngày thấy nút giao thông Thanh Xuân ngừng đào bới.

Có mặt trên tuyến đường Nguyễn Trãi vào sáng qua chúng tôi ghi nhận, ngoài công trường đường ray tuyến đường này còn có công trường 6 nhà ga metro Cát Linh - Hà Đông, chiếm dụng tới hơn 50% diện tích mặt đường. Với nút giao Thanh Xuân, hàng rào thi công cũng chiếm gần hết diện tích nút giao này, để lưu thông qua lô cốt các công trường sáng qua nhiều xe máy đã phải leo lên vỉa hè, riêng ô tô qua nút Thanh Xuân ùn ứ kéo dài đến cầu đi bộ tại bách hóa Thanh Xuân.

Với đường Nguyễn Xiển, ùn tắc kéo dài từ 7h đến 8h30, có thời điểm các dòng ô tô, xe máy bị ùn tắc kéo dài từ nút Thanh Xuân đến gần Cầu Dậu (Linh Đàm). 

Cùng với đó các tuyến đường kết nối với nút giao thông này như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển cũng cùng chịu chung cảnh ngộ. Riêng đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông hơn 4 năm nay phải sống chung với công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo ông Thành, do lô cốt rào chắn thường xuyên nên hơn 10 năm qua tuyến đường Nguyễn Trãi hướng Ngã Tư Sở - Hà Đông và nút giao thông Thanh Xuân thường xảy ra ùn ứ giờ cao điểm. Tương tự hơn 10 năm qua các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Kim Liên - La Thành), vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Cầu Giấy) vẫn chưa thể về đích, trên hai tuyến đường này công trường xây dựng vẫn ngổn ngang. Với tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương, ngoài lòng đường bị thu hẹp do phải phục vụ dự án thí điểm xe buýt nhanh - BRT, hiện tuyến này còn phải gánh thêm phương tiện được phân luồng từ đường Nguyễn Trãi vào.

Tình trạng lô cốt phong tỏa giao thông cũng xảy với nhiều tuyến đường khác của Hà Nội như Xuân Thủy - Cầu Giấy, Bưởi - Lạc Long Quân; Liễu Giai - Văn Cao; Láng; Hoàng Cầu - Yên Lãng… 

Không dựng lô cốt thì xây kiểu gì?

Giờ cao điểm sáng qua, trong khi ngoài đường người tham gia giao thông căng mình với ùn tắc thì bên trong công trường hầm chui Thanh Xuân rộng hàng nghìn mét vuông lại vắng bóng công nhân, máy móc thiết bị nằm yên một góc.

Tình trạng này cũng xảy ra với một số công trường ĐSĐT trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Xuân Thủy- Cầu Giấy… Các chuyên gia giao thông cho rằng, khác với các công trường phải thi công ngoài đường, những khu vực được quây rào xung quanh thì các đơn vị thi công nên khẩn trương làm ngày đêm.

“Hiện có hiện tượng nhà thầu nhận công trình rồi bỏ đấy, chây ỳ lấy lý do giữ an toàn cho đi lại trên đường không làm ngày, tuy nhiên công trường đã khoanh vùng thì việc này không cần thiết. Chủ đầu tư và tư vấn giám sát cần theo dõi sát sao để ngăn những nhà thầu như vậy”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến lô cốt trên đường Hà Nội nhiều như hiện nay là do các dự án giao thông vừa qua Hà Nội triển khai chậm, bị dồn, thậm chí dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã 2 lần khởi công đến nay chưa xong mặt bằng, lô cốt ngổn ngang trên đường.

Lý giải công trường vắng bóng công nhân thi công, ông Hoàng Văn Đào, Phó Tổng giám đốc, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4 - Bộ GTVT) - nhà thầu dự án hầm chui Thanh Xuân cho rằng: Thời điểm sáng 27/10 có thể anh em giao ca nên không có lực lượng thi công trên công trường. Chúng tôi sẽ kiểm tra và giám sát chặt việc này. 

Liên quan đến việc có quá nhiều dự án, lô cốt trên đường, chiều qua đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, muốn xây dựng cái mới thì phải thế. Bây giờ không dựng lô cốt thì xây kiểu gì. Mọi người dân phải chia sẻ với thành phố, còn trong quá trình xây dựng Sở sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị thi công cố gắng bảo đảm sinh hoạt, đi lại của người dân.

“Việc có nhiều dự án cùng triển khai thuộc thẩm quyền của thành phố, với dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, hầm chui Thanh Xuân cùng thi công một thời điểm là thẩm quyền của chủ đầu tư là Bộ GTVT”, đại diện Sở GTVT Hà Nội diễn giải.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, muốn xây dựng cái mới thì phải thế. Bây giờ không dựng lô cốt thì xây kiểu gì. Mọi người dân phải chia sẻ với thành phố, còn trong quá trình xây dựng Sở sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị thi công cố gắng bảo đảm sinh hoạt, đi lại của người dân.